Tăng cường sự tham gia của người dân vào phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) là giải pháp để phát triển du lịch bền vững, vừa để bảo tồn văn hóa bản địa, vừa giúp đỡ nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là những vùng có đa dạng bản sắc văn hóa như Mộc Châu, Sơn La, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.
Vài nét về du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, Sơn La
Du lịch dựa vào cộng đồng (Community based tourism - CBT) hay du lịch cộng đồng (DLCĐ) là hình thức du lịch “do cộng đồng làm chủ/quản lý và mang lại lợi ích cho cộng đồng”. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra DLCĐ giúp cải thiện điều kiện kinh tế cho địa phương thông qua việc tạo thêm việc làm bên cạnh các lĩnh vực truyền thống và bán các sản phẩm của địa phương. Từ đó, DLCĐ góp phần xóa đói giảm nghèo cho các khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, phát triển DLCĐ góp phần bảo tồn được các giá trị văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra, DLCĐ nâng cao nhận thức của người dân về việc duy trì cảnh quan, môi trường thân thiện, từ đó giúp bảo vệ môi trường. Như vậy, DLCĐ đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững tại địa phương thông qua những đóng góp cho phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, du lịch và du lịch cộng đồng có thể mang đến những tác động không mong muốn như: bất bình đẳng về thu nhập từ du lịch, hay sự “suy giảm giá trị tự nhiên và/hoặc văn hóa”. Thêm vào đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, hình thức DLCĐ cũng chịu những ảnh hưởng nhất định. Du lịch và DLCĐ bị giảm doanh thu một cách rõ rệt. Cụ thể, dịch Covid-19 khiến cho lượng khách du lịch sụt giảm, người dân địa phương mất việc làm và các hoạt động khác không thể trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Điều này là do các chính phủ đã có những chính sách hạn chế đi lại để có thể kiểm soát dịch bệnh. Và du lịch, để chuẩn bị cho tương lai, cần sự phát triển bền vững ở mọi khía cạnh. Nhiều nghiên cứu về du lịch đã chỉ ra rằng sự tham gia của cộng đồng là “một yếu tố quan trọng để đạt được thành công lâu dài” tại các điểm du lịch và là một “hình mẫu lý tưởng” cho du lịch. Điều này có được là do sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch sẽ giúp gia tăng sự bình đẳng trong phân phối thu nhập, cải thiện sự dân chủ trong việc ra quyết định và phù hợp hơn với nhu cầu lâu dài của cộng đồng.
Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là địa phương có nhiều dân tộc với các đặc trưng văn hóa đa dạng và cũng là địa phương có nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Tính đến năm 2019, DLCĐ đã đóng góp vào việc tạo việc làm cho 5.000 lao động, thu hút 1,2 triệu lượt khách và tạo ra 1.100 tỉ đồng doanh thu cho cộng đồng hàng năm. Các sản phẩm DLCĐ tại đây bao gồm: dã ngoại gắn với nông nghiệp, tham quan các thắng cảnh tại địa phương, homestay và trải nghiệm văn hóa bản làng, trưng bày và bán đặc sản dân tộc. Đã có một số nghiên cứu về du lịch dựa vào cộng đồng trên địa bàn nhưng đều chỉ tập trung vào khía cạnh giá trị kinh tế mà hoạt động du lịch mang lại. Đối với đánh giá sự tham gia vào phát triển DLCĐ, nhóm nghiên cứu chưa tìm thấy một nghiên cứu cụ thể nào được triển khai tại đây. Mặt khác, để đối phó với dịch bệnh, vào tháng 3/2020, UBND huyện Mộc Châu quyết định dừng tất cả các hoạt động đón khách du lịch. Quyết định này chỉ được nới lỏng khi dịch đã có dấu hiệu được kiểm soát. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch của địa phương. Câu hỏi đặt ra ở đây là sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch đã thay đổi ra sao dưới tác động của đại dịch?
Sự tham gia của cộng đồng là thuật ngữ bao hàm đa chiều và đa lĩnh vực. Sự tham gia của cộng đồng là hành động tự nguyện dựa trên quyền và nghĩa vụ của công dân. Các nghiên cứu về sự tham gia đa phần hướng đến mức độ phân quyền trong ra quyết định. Đặc biệt, trong phát triển du lịch, sự tham gia của cộng đồng là sự tham gia vào việc ra quyết định cho hoạt động lập kế hoạch phát triển du lịch. Hoạt động lập kế hoạch phát triển du lịch bao hàm nhiều bước, có thể là nhận diện giá trị du lịch, hoạt động tổ chức và quảng bá, triển khai thực hiện và kiểm tra đánh giá.
Nghiên cứu này đánh giá sự tham gia của cộng đồng vào phát triển DLCĐ thông qua việc đánh giá mức độ tham gia vào từng giai đoạn lập kế hoạch phát triển du lịch. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên đánh giá về sự tham gia của người dân trong phát triển DLCĐ dựa trên cách tiếp cận của Arnstein (1969); Tosun (1999); Reid & cs. (2004) tại địa bàn huyện Mộc Châu và là nghiên cứu đầu tiên về sự tham gia trong phát triển DLCĐ được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nghiên cứu được triển khai nhằm mục đích đánh giá sự thay đổi về mức độ tham gia của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, Sơn La trước và sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Từ đó, đề xuất các chính sách phù hợp cho phát triển DLCĐ trong bối cảnh “bình thường mới” hậu Covid-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy đa phần các hộ dân chỉ tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng của địa phương ở mức độ cưỡng chế hoặc thụ động theo thang đo của Tosun và sự tham gia này không có sự thay đổi đáng kể so với thời kỳ tiền Covid. Nguyên nhân của việc này là do người dân ở đây vẫn có tâm lý ỷ lại vào chính quyền địa phương, mức độ liên kết với các bên tham gia trong DLCĐ thấp, cũng như thu nhập từ du lịch của hộ ít chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Thu nhập từ du lịch chiếm tỉ trọng khá lớn nhưng chủ yếu đến từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú, trong khi các hoạt động khác không được hộ chú trọng.
Một số giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân vào du lịch cộng đồng
Nguyên nhân chính khiến mức độ tham gia của hộ còn thấp là nhận thức về lợi ích mà DLCĐ mang lại. Chính vì thế, giải pháp quan trọng nhất được đề xuất đó là nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tham gia tích cực vào các hoạt động DLCĐ thông qua hỗ trợ những người đứng đầu cộng đồng như trưởng thôn/bản, hay những thành viên trẻ của cộng đồng. Từ đó, những thành viên khác của cộng đồng có thể nhận ra lợi ích của việc chủ động tham gia trong các công tác phát triển DLCĐ. Các cộng đồng cần thông qua các buổi họp, phổ biến lợi ích về việc thực hiện các hoạt động DLCĐ và cần có các biện pháp khuyến khích sự đóng góp ý kiến của các hộ trong các buổi họp.
Thứ hai, chính quyền cấp huyện, xã cần tạo điều kiện để các hộ có các hoạt động du lịch thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác. Các nhóm hộ có các hoạt động du lịch khác nhau liên kết để tạo thành chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch. Bản thân các nhóm hộ có cùng hoạt động cũng cần có cơ chế để chia sẻ thông tin cũng như lượng khách du lịch.
Giải pháp thứ ba là xây dựng mối liên kết giữa các hộ làm du lịch tại địa phương với các doanh nghiệp lữ hành. Các hộ, thông qua các tổ, nhóm hợp tác, kết hợp với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tìm kiếm và liên kết với các công ty lữ hành, hình thành một chuỗi khép kín về các hoạt động DLCĐ. Các công ty lữ hành và người dân địa phương cũng cần thảo luận để có thể thống nhất cách thức chia sẻ doanh thu/lợi nhuận hợp lý. Mặt khác, trong thời kỳ “bình thường mới”, chính quyền địa phương vẫn cần tiếp tục khuyến khích các hoạt động kiểm tra, giám sát của người dân để đảm bảo DLCĐ là một hình thức du lịch an toàn. Các hoạt động kiểm tra, giám sát của người dân sẽ tập trung vào việc hỗ trợ, nhắc nhở du khách tuân thủ các quy định về phòng dịch, cũng như kiểm tra, giám sát công tác phòng dịch tại cộng đồng.
Do nghiên cứu được tiến hành trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được loại bỏ trên phạm vi toàn cầu nên việc đánh giá tác động này là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng vẫn có thể là tiền đề để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo nhằm trả lời các câu hỏi như: Sự tham gia của cộng đồng có thực sự thay đổi sau khi dịch Covid-19 hoàn toàn chấm dứt? Các yếu tố nào ảnh hưởng đến sự thay đổi này?
Trích đăng theo: Nguyễn Minh Đức, Trần Nguyên Thành. Sự tham gia của người dân vào phát triển du lịch cộng đồng trước và sau dịch Covid-19: Trường hợp nghiên cứu tại Mộc Châu, Sơn La [online], truy cập ngày 23/12/2021,
Link: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/11/tap-chi-so-12.2.10.pdf