Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được định hướng cơ cấu: “Tập trung phát triển các cây công nghiệp có lợi thế (chè, cây ăn quả, cây dược liệu), lúa chất lượng cao, lúa bản địa có giá trị kinh tế cao. Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa), phục tráng giống và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, bản địa cung cấp cho thị trường trong nước; hình thành các vùng chăn nuôi an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Bảo vệ chặt chẽ rừng tự nhiên, phát triển mạnh rừng sản xuất và các lâm sản ngoài gỗ, xây dựng vùng gỗ nguyên liệu lớn nhất cả nước. Phát triển nuôi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện và trên các vùng nước ven sông, suối gắn với bảo tồn và phát triển nguồn lợi quý hiếm; đồng thời, khai thác lợi thế để phát triển các loại thủy sản nước lạnh, giá trị cao (cá hồi, cá tầm...); Phát triển các hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ, các phương pháp tưới tiên tiến, phù hợp địa hình của vùng, cung cấp nước cho các vùng khan hiếm nước, vùng đất dốc; thực hiện các giải pháp hiệu quả cho công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai (bão, lũ, sạt lở,...)”.
Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương trong vùng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm thực hiện mục tiêu thứ ba trong đề án Tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) đã đặt ra. Các phương pháp triển khai kế hoạch TCCNN của các địa phương có những nơi còn chưa thực sự phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hoá sản xuất của người dân, vẫn còn nảy sinh các vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Địa lý Nhân văn cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Thị Trầm thực hiện với mục tiêu “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường vùng trung du và miền núi phía Bắc” với mục tiêu: Trên cơ sở lý luận và thực tiễn về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường vùng trung du và miền núi phía Bắc, đề tài đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường của vùng nghiên cứu.
Tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng hàng đầu của các quốc gia trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển - nơi nông nghiệp là lợi thế và là ngành kinh tế thế mạnh. Tuy nhiên, về mặt lý luận lại có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau về tái cơ cấu nông nghiệp, song có thể hiểu “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc thay đổi chiến lược, mục tiêu, cách thức tổ chức và hoạt động trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp (chủ thể sản xuất, hình thức sản xuất, phương thức quản lý, cách phân phối và tiêu thụ sản phẩm) nhằm: khai thác, tận dụng tối đa lợi thế so sánh để tạo ra hiệu quả kinh tế (nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tạo ra được các nông sản có chất lượng, giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường); tạo ra năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp (phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường)”.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần chú ý đến các vấn đề sau về vai trò của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, sắp xếp lại và lựa chọn các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch các nguồn lực theo hướng tích tụ tăng quy mô sản xuất, quản lý tốt vấn đề môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh mới của nền nông nghiệp hiện đại, tái cơ cấu nông nghiệp có vai trò cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm chủng loại, chất lượng sản phẩm và khối lượng; tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ cư dân nông thôn khỏi các rủi ro, bất ổn; đưa ngành nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế có hiệu quả cao, thu nhập lớn và khả năng xuất khẩu mạnh; là thị trường ổn định có quy mô lớn cho công nghiệp, dịch vụ; biến nông nghiệp thành tấm đệm cho nền kinh tế và hộ gia đình trước các cú sốc về mặt kinh tế - xã hội. Tái cơ cấu nông nghiệp còn phải thể hiện được vai trò dịch vụ môi trường như: giảm thải cacbon, trồng rừng, tái tạo nguồn nước, tái tạo và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai, chống xói mòn, bảo vệ cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường…
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
TCCNN là việc thay đổi chiến lược, mục tiêu, cách thức tổ chức và hoạt động trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp nhằm khai thác, tận dụng tối đa lợi thế so sánh để tạo ra hiệu quả kinh tế (nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tạo ra được các nông sản có chất lượng, giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường); tạo ra năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp (phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường).
Nội dung thực hiện TCCNN gắn với BVMT bao gồm việc nhận thức và hiểu rõ tầm quan trọng của tự nhiên cũng như tài nguyên thiên nhiên đối với sự sống và sự phát triển bền vững nông nghiệp; giữ gìn, phòng ngừa và hạn chế các tác động của hoạt động sản xuất nông nghiệp đến các thành phần môi trường; và khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong giai đoạn triển khai thực hiện đề án, vùng trung du miền núi phía Bắc đã đạt được các kết quả tích cực, chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng ngành và giá trị tăng cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển dịch, phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Phương thức chăn nuôi chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, tự phát sang công nghiệp, bán công nghiệp quy mô lớn; chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh và bền vững, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản của vùng tăng cao nhất so với các vùng khác trên cả nước. Công tác bảo vệ, phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng, giá trị rừng trồng được cải thiện, đứng thứ 2 cả nước về độ che phủ rừng. Mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm với chất lượng và loại hình nông sản ngày càng tăng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và một số thị trường quốc tế. Một số sản phẩm đặc sản địa phương đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như: cam Cao Phong (Hòa Bình), xoài Yên Châu (Sơn La), gạo tám Mường Thanh (Điện Biên), nếp Tú Lệ, Nàng Hương (Yên Bái), gạo Séng cù (Lào Cai) giúp truy xuất nguồn gốc, tăng khả năng cạnh tranh, tăng thu nhập cho nông dân.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, bối cảnh tác động trong và ngoài nước đối với quá trình TCCNN của vùng, đề tài đã đưa ra quan điểm TCCNN gắn với BVMT, đồng thời đề xuất các định hướng không gian ưu tiên phát triển nông-lâm-thuỷ hải sản theo các nội dung TCCNN gắn với BVMT. Các giải pháp thực hiện TCCNN gắn với BVMT được đề xuất gồm 5 nhóm: nhóm giải pháp nâng cao về nhận thức, nhóm giải pháp về chính sách, nhóm giải pháp về quy hoạch, nhóm giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ và nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất. Nội dung đề xuất các nhóm giải pháp tập trung vào việc nâng thúc đẩy quá trình TCCNN gắn với BVMT, phù hợp với đặc điểm sinh thái, đặc điểm xã hội, nhân văn và phù hợp chức năng môi trường của vùng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18457/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo vista.gov.vn