STNN - Cuối tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030 (Kế hoạch).
Các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai dựa trên mục tiêu:
- Xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
- Kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, ATTP, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.
- Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý chuyên ngành thú y các cấp nhằm góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, phù hợp với kiến trúc điện tử 2.0 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra bao gồm:
Mục tiêu về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030 thể hiện qua các nhiệm vụ: Xây dựng được vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm (CGC) và Niu-cát-xơn theo quy định của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH); Xây dựng được vùng chăn nuôi gia súc ATDB theo quy định của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của WOAH.
Đặc biệt, mục tiêu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật được chỉ rõ: Xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông và 5 nước Liên minh kinh tế Á - Âu và các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc; Xuất khẩu được trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hoa Kỳ và các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông; Xuất khẩu được thịt lợn sang Malaysia, Trung Quốc; Xuất khẩu được sữa và sản phẩm sữa sang Malaysia và Indonesia; Xuất khẩu được mật ong và sản phẩm ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác; Xuất khẩu được tổ yến sang Trung Quốc.
Đồng thời, Kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể về: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 – 2030; Nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi sổ trong công tác thú y.
Nhằm thực hiện được mục tiêu nói trên, Kế hoạch đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn năm 2023 – 2030: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với động vật, sản phẩm động vật; Nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại Giao, Bộ Thông Tin và Truyền Thông và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố, các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện kế hoạch nhiệm vụ đảm bảo đạt hiệu quả và đúng tiến độ đã đề ra.
Xem nội dung chi tiết tại đây.
Khánh Huyền