Từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao, nhưng nguồn hàng vẫn trong tình trạng khan hiếm.
Trước tình hình cầu cao hơn cung, nhiều doanh nghiệp, nông dân rục rịch tính chuyện đầu tư khôi phục, mở rộng diện tích ao nuôi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn trong khu vực khuyến cáo, không nên ồ ạt mở rộng diện tích, nhất là những vùng nằm ngoài quy hoạch, tránh tái diễn tình trạng "cung vượt cầu".
Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long, tuần qua, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng, dao động ở mức từ 31.000-34.000 đồng/kg, tùy loại. Với giá cá như hiện nay, người nuôi cá bảo đảm được mức lãi khá. Ðây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hai năm qua và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do tình hình xuất khẩu đang thuận lợi, các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, thu gom nguồn hàng.
Theo các chuyên gia, giá cá tăng cao phần nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua, người nuôi không thu hoạch được, phải nuôi lưu trong ao, từ đó ảnh hưởng tới kế hoạch thả giống mới. Ngoài ra, tình hình giá thức ăn, thuốc thủy sản, vật tư đầu vào… đều tăng mạnh, kéo chi phí giá thành nuôi cá tra tăng lên, giá thu mua giảm sâu và kéo dài, nông dân "treo ao" hoặc chỉ nuôi cầm chừng. Do đó, khi tình hình xuất khẩu được phục hồi đã xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào.
Tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, trong ba tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm nay, ngành cá tra lên kế hoạch sản xuất cá thương phẩm đạt từ 1,6-1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD.
Với dự báo này, nhiều doanh nghiệp và nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang khấp khởi tin rằng, ngành cá tra Việt Nam đang khởi sắc cho nên tập trung đầu tư khôi phục ao nuôi, mở rộng vùng nuôi cá tra. Một doanh nghiệp tại tỉnh An Giang-thủ phủ nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đang liên hệ với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang để xin đầu tư một dự án nuôi cá tra quy mô hàng trăm héc-ta tại xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương.
Nhiều nông dân xã Bình Giang, huyện Hòn Ðất và xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương xác nhận, thời gian gần đây có nhiều người từ các tỉnh khác liên hệ với nông dân để tính chuyện thuê đất, lập dự án nuôi cá tra quy mô lớn. Tuy nhiên, diện tích ao nuôi cá tra của tỉnh Kiên Giang thời gian qua còn nhỏ lẻ và chỉ tập trung ở vùng nước ngọt như huyện Giồng Riềng và Tân Hiệp, còn ở vùng mặn giáp biển như Hòn Ðất, Kiên Lương chủ yếu là nuôi tôm.
Có cầu thì ắt sẽ có cung. Nhu cầu cá tra xuất khẩu tăng, giá cá nguyên liệu cao, nên việc nông dân đầu tư nuôi cá xem ra cũng hợp lý. Thế nhưng, nếu thả nuôi ồ ạt, dễ lặp lại chu kỳ rớt giá. Ðây là vấn đề rất cũ, đã từng lặp đi lặp lại không chỉ đối với con cá tra mà với rất nhiều mặt hàng nông sản khác.
Với mức giá cá tra thương phẩm như hiện nay, bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp và người nuôi cá ở thời điểm hiện tại. Nhưng giá cả luôn biến động theo thị trường, cầu cao hơn cung thì giá sẽ tăng, còn ngược lại khi cung vượt cầu thì giá sẽ lao dốc. Vì vậy, người nuôi cá tra cần bình tĩnh vì giá cá thương phẩm hiện tại có thể "ảo" do "chiêu bài" của các doanh nghiệp chế biến. Bởi khi họ đã ký kết các hợp đồng với đối tác thì phải đẩy giá lên để nhanh chóng mua đủ số lượng hàng cần, nếu không thiệt hại mà họ phải nhận sẽ lớn hơn rất nhiều việc giảm lợi nhuận. Vì vậy, nếu người nuôi cá không tỉnh táo cứ ào ạt nhập giống, mở rộng diện tích ao nuôi thì rất có thể "sập bẫy" về giá sau này.
Ðể tránh nguồn cá tra nguyên liệu bị dội chợ, ế hàng, rớt giá, vấn đề liên kết trong sản xuất rất cần thiết. Theo đó, người nuôi cá cần thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã và các mô hình kinh tế tập thể khác để liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ngoài ra cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình nuôi để giảm giá thành; thực hiện quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu nhằm ổn định nguồn hàng. Chính quyền các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng diện tích nuôi cá tăng quá nóng, nhất là những địa bàn không nằm trong quy hoạch. Bởi, nếu không thận trọng, chu kỳ rớt giá cá tra có thể sẽ tái diễn vào đầu năm 2023 khi nguồn cung quá dư thừa.
Theo Nhân dân