"Cấy" hạt giống vào các sản phẩm thời trang

STNN - Sự phát triển của vật liệu hydrogel tích hợp hạt giống vào các sản phẩm thời trang đang mở ra một hướng đi mới đầy thú vị trong ngành thiết kế. Những sản phẩm này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn tạo ra mối quan hệ gần gũi giữa con người và thiên nhiên.
thoi-trang-tu-thien-nhien-stnn-1746587671.jpg
Băng đô "mọc cây" - một trong những ứng dụng tiềm năng của LivingLoom - Ảnh: Hybrid Body Lab.

Nghiên cứu từ Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) cho thấy rằng con người thường có mối quan hệ thực dụng với thực vật, chủ yếu sử dụng chúng để làm thức ăn hoặc chế tạo các sản phẩm hữu ích. Một nhóm nghiên cứu tại Khoa Khoa học Con người đã phát triển một phương pháp thiết kế và chế tạo mới, biến thực vật thành những “người bạn đồng hành” dễ thương.

Trong nghiên cứu này, hạt giống được kết hợp vào vật liệu hydrogel (một loại polyme hấp thụ nước) để tạo ra các sản phẩm như băng đô, vòng tay, mũ và dép, trong đó hạt giống có thể nảy mầm nếu được chăm sóc đúng cách.

Phó Giáo sư Cindy Hsin-Liu Kao cho biết: "Trong suốt lịch sử, con người đã sống bên cạnh thực vật và sử dụng chúng làm thực phẩm hoặc chế tạo thành sợi vải. Chúng ta đang cố gắng tìm ra cách xây dựng một mối quan hệ hợp tác hơn với thực vật, điều này có thể giúp tái định hình mối quan hệ của chúng ta với môi trường."

Jingwen Zhu, nghiên cứu sinh tiến sĩ về thiết kế hành vi con người, là tác giả chính của bài nghiên cứu "LivingLoom: Investigating Human-Plant Symbiosis Through Integrating Living Plants Into (E-)Textiles" (tạm dịch: LivingLoom: Nghiên cứu về sự hợp sinh giữa con người và thực vật thông qua việc tích hợp thực vật sống vào vải), xuất bản ngày 25/4 và được trình bày tại Hội nghị về các yếu tố con người trong hệ thống máy tính của Hiệp hội máy tính (CHI '25), diễn ra từ ngày 26/4-01/5 tại Yokohama (Nhật Bản). Công trình này đã giành giải thưởng Bài báo hay nhất tại hội nghị.

LivingLoom là phần mở rộng của phương pháp tạo mẫu có tên EcoThreads, được phát triển tại Phòng thí nghiệm Hybrid Body của Kao. EcoThreads bao gồm hai phương pháp chế tạo: kéo sợi ướt và phủ sợi, để chế tạo sợi chức năng từ vật liệu sinh học.

Trong quá trình kéo sợi ướt, polyme được đùn vào bồn đông tụ, tại đó polyme đông cứng thành sợi. Điểm khác biệt chính ở LivingLoom là hạt chia được đưa vào dung dịch kéo sợi, tạo ra các sợi chứa hạt sẽ phát triển khi được chăm sóc đúng cách.

Các sợi tích hợp hạt giống sau đó được dệt thành hàng dệt bằng máy dệt Jacquard kỹ thuật số, cho phép thiết kế các cấu trúc dệt mới giúp giữ nước và hỗ trợ rễ. Thông qua quá trình này, hạt giống được chuẩn bị với chất dinh dưỡng, không gian phát triển và nước, sẽ phát triển trong hàng dệt tích hợp thực vật.

Để khám phá cách mọi người sử dụng và chăm sóc các sản phẩm dệt tích hợp thực vật trong cuộc sống hàng ngày, nhóm nghiên cứu đã mời 10 người tham gia đeo vòng tay LivingLoom trong ba ngày và ghi lại quan sát. Các tham gia viên được yêu cầu đeo vòng tay từ 2-8 giờ mỗi ngày, sau đó trả lại cho nhóm nghiên cứu và tham gia phỏng vấn.

Những người tham gia cho biết họ có kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh, nhưng đây là lần đầu tiên họ có một sản phẩm đeo được như vậy, tạo ra một mối quan hệ gần gũi với thực vật. Họ cảm nhận được sự tương tác giữa bản thân và cây cối; ví dụ, khi cây cần nước, họ cũng cảm thấy khát. "Họ sẽ đặt cây trở lại thùng chứa vào ban đêm", và sáng hôm sau họ nhận thấy cây đã cao hơn, như cách họ cảm thấy tràn đầy năng lượng khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này cho thấy sự gần gũi giữa con người và thực vật trong thiết kế LivingLoom - một trải nghiệm mà ít ai có được.

Nhà nghiên cứu Zhu cũng cho biết nhiều người tham gia cho rằng, các sản phẩm như mũ và băng đô là rất hợp lý, vì đây là những phụ kiện thường xuyên được đeo, không gây cản trở hoạt động và đặc biệt là có nhiều thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. LivingLoom không chỉ có tiềm năng trong lĩnh vực thời trang mà còn có thể áp dụng cho nông nghiệp kỹ thuật số và khoa học thực phẩm.

Nghiên cứu này không chỉ là một bước tiến trong thiết kế thời trang mà còn là một thử nghiệm táo bạo trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với thực vật, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa cho con người trong tương lai.

Những đồng tác giả trong nghiên cứu này là Samantha Chang '26 và Ruth Zhao, sinh viên đại học tại Đại học Pennsylvania.

Tri Túc (dịch, t/h)