Thủ phủ trà Lâm Đồng bị ‘băm nát’

Bảo Lộc là thủ phủ trồng chè của Lâm Đồng, nổi tiếng với thương hiệu Trà B’Lao. Gần đây, các đồi chè bị băm nát, nhường chỗ cho dự án bất động sản, phân lô bán nền tràn lan.

Những năm gần đây, trong cơn sốt đất chưa từng có, hàng loạt “dự án” bất động sản đã mọc lên như nấm sau mưa ở Bảo Lộc. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chiêu trò “hiến đất làm đường” để nhằm phân lô, tách thửa.

Rầm rộ “hiến đất”
Trong khoảng hai năm trở lại đây, phong trào “hiến đất làm đường” ở TP Bảo Lộc trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Thực chất, đây chỉ là chiêu trò nhằm mở đường trong các lô đất nông nghiệp có diện tích lớn, để người dân lách luật hòng phân lô, bán nền.

Trong kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng công bố mới đây cũng khẳng định các trường hợp “hiến đất” và tự mở đường, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc thời gian qua chủ yếu là nhằm mục đích cá nhân đủ điều kiện tách thửa chứ không phải tặng, cho quyền sử dụng đất để tạo mặt bằng xây dựng các công trình công cộng vì mục đích chung.

Những đồi chè bị băm nát để phân lô, bán nền ở TP Bảo Lộc. Ảnh: Minh An.

Khi cơn sốt đất bắt đầu “càn quét” phố núi Bảo Lộc từ cuối năm 2019, đầu 2020, trên địa bàn thành phố này bắt đầu hình thành hàng loạt “dự án bất động sản”.

Mô típ hình thành các “dự án” như sau: Người dân địa phương (hoặc người ngoại tỉnh) đứng tên lô đất có diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Sau đó, họ làm đơn xin hiến đất làm đường cho chính quyền địa phương xác nhận và tự xây dựng hạ tầng, đấu nối với tuyến đường giao thông hiện hữu.

Khi đã có đường nội bộ, họ bắt đầu phân thành các lô nhỏ vài trăm mét vuông để bán cho khách hàng dưới hình thức “dự án bất động sản” được quảng cáo rầm rộ trên mạng.
Bằng chiêu thức này, thống kê trong năm 2020, tại Bảo Lộc có trên 40 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đề nghị hiến đất mở đường để tách nhiều thửa đất. Có thể kể đến trường hợp 4 hộ dân gồm Lê Quang Nh., Nguyễn Đức H., Nguyễn Thị Ngọc L., Nguyễn Thị Kim A. (thường trú trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng) sở hữu khu đất diện tích “khủng” ở xã ĐamB’ri (TP Bảo Lộc).

Trong quá trình sử dụng, các hộ này đã thực hiện việc hợp và tách thửa biến động có đường giao thông, sau đó chuyển nhượng một phần diện tích 56.193 m2 cho 8 hộ gia đình, cá nhân khác nhau và thực hiện chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích khoảng 20.000 m2.

Sau khi chuyển mục đích sử dụng đất, các hộ đã được Sở Tài nguyên Môi trường tách một số diện tích thành 72 thửa đất (trên thực tế, việc phân lô ở khu vực này có đến hàng trăm lô khác nhau).

Dù được quảng cáo rầm rộ là dự án bất động sản quy mô 36 ha, thực chất, chưa cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép đầu tư dự án bất động sản này.

Trường hợp hộ ông Tr. N. Tr. và bà Ng. Th. Th. T. có đơn xin hiến đất làm đường, chia tách đất trên các thửa đất số 120, 121, tờ bản đồ số 9 (xã ĐamB’ri) với tổng diện tích hơn 30.500 m2.

Hiện trạng khu đất này đang trồng cà phê và có sẵn các đường hẻm rộng 7 m do hộ gia đình cá nhân tự mở (có đơn xin hiến đất làm đường đi chung do UBND xã ĐamB’ri xác nhận ngày 23/12/2020). Tuyến đường này đã rải đá dăm nhưng chưa được chỉnh lý trên giấy chứng nhận và hồ sơ địa chính.

Phá nát đồi chè
ĐamB’ri là một xã ngoại ô của TP Bảo Lộc với điều kiện lý tưởng về địa hình, khí hậu mát mẻ, bao bọc bởi những đồi chè và cà phê tươi xanh, trù phú. Thế nhưng, trong “cơn bão” bất động sản, nhiều đồi chè và cà phê đã bị “hóa kiếp” để người dân phân lô, bán nền ồ ạt, bất chấp những hệ lụy sau này.

Các vườn chè có “đất thổ cư” được rao bán ở TP Bảo Lộc. Ảnh: Minh An.

Có mặt tại xã ĐamB’ri, không khó để chứng kiến những triền đồi, khu đất thoai thoải đã bị xẻ ngang, xẻ dọc, chia thành từng lô rất bài bản như một khu đô thị. Ngoài hệ thống đường nội bộ được trải nhựa rộng rãi, một số khu đất còn được xây dựng hệ thống đường điện hoàn chỉnh, thậm chí có cả hồ nước cảnh quan, xanh mát, đúng chuẩn “khu đô thị nghỉ dưỡng”. Tuy nhiên phần lớn các lô đất đẹp đẽ này hiện vẫn chưa có nhà dân ở mà chỉ để hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm.

Ông Lê Văn Liêm (người dân thôn 12, xã ĐamB’ri) cho biết mấy năm nay hoạt động mua bán đất phát triển rầm rộ đã giúp người dân địa phương có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng chè hoặc cà phê, nhiều người dân đã mua được cả ôtô và cuộc sống phồn vinh hơn trước. Tuy nhiên về lâu dài, việc phân lô phát triển mạnh khiến diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp, hệ lụy sau này cũng có thể dẫn đến hết đất để canh tác.

Trong một đợt trao đổi với báo chí về vấn đề phân lô, tách thửa trên địa bàn, ông Đoàn Kim Đình, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cho biết việc tách thửa thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên Môi trường.

Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc phân trần rằng địa phương luôn phối hợp chặt chẽ để thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. Việc triển khai bước tiếp theo của hoạt động tách thửa đất, thành phố đã thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch, đúng quyền sử dụng đất. Ví dụ đất nông nghiệp tách thửa phải đảm bảo trên 500 m2/lô, đất ở thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu đã được thành phố xây dựng.

Điểm danh dự án “ma”
Theo thống kê, trong năm 2020, nguồn thu ngân sách của TP Bảo Lộc từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi các lô đất có chủ là người trong lẫn ngoài tỉnh, thực hiện tách thửa và chuyển nhượng lại cho người khác, đã đạt khoảng 277 tỷ đồng mặc dù thành phố chưa tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng lô đất nào.

Cho đến nay trên địa bàn TP Bảo Lộc chỉ có 6 dự án được cấp chủ trương đầu tư bất động sản, trong đó có 4 dự án đã hoàn thiện hạ tầng và đang thực hiện giao dịch bất động sản. Hai dự án còn lại gồm dự án khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt (phường 1, Bảo Lộc) và dự án Khu dân cư trung tâm xã ĐamB’ri đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án với lý do chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư.

Những dự án hoành tráng trước đây là các đồi chè xanh mướt. Ảnh: Minh An.

Ngoài dự án khủng 36 ha, hàng loạt dự án bất động sản “ma” tại Bảo Lộc cũng được lật tẩy là chiêu trò quảng cáo, thổi phồng của các môi giới bất động sản.

Có thể điểm danh các dự án chưa được cơ quan chức năng nào cấp phép mà UBND TP Bảo Lộc thống kê ngày 31/5/2021, như dự án ĐamB’ri Hill Village 1 Bảo Lộc (chủ sử dụng đất là ông Đỗ Viết Thức); ĐamB’ri Hill Village 2 (chủ sử dụng đất là ông Phan Đình Hưng); Ecovill (chủ sử dụng đất là Hồ Thúy Loan); Jade Garden Hill Bảo Lộc tại phường Lộc Tiến (chủ sử dụng đất là Nguyễn Ánh); Kiwuki (chủ sử dụng đất là Trần Ngọc Tùng)…

Theo cơ quan chức năng, qua rà soát hồ sơ các khu vực trên là do hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục tách thửa sau đó chuyển quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân khác có nhu cầu nhưng được các đối tượng môi giới bất động sản quảng cáo bằng cách đặt tên cho các dự án dưới hình thức “dự án bất động sản” nhằm thu hút người mua.

Trong tháng 6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng liên tục có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tạm đình chỉ công tác đối với trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP Bảo Lộc và chủ tịch UBND xã Đam B’ri, giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc, trưởng phòng quản lý đô thị TP Bảo Lộc.

Các cá nhân trên bị đình chỉ do liên quan đến tình trạng phân lô, bán nền xảy ra tràn lan trên địa bàn TP Bảo Lộc thời gian qua.

Nguồn: Zing

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây