Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp Định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2025

Ngày 07/12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và Định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2025” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ giai đoạn vừa qua; các đối tác ngân hàng, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Quỹ trong giai đoạn 2021 – 2025 và các cơ quan báo chí.

Toàn cảnh hội thảo

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Quỹ tập trung ưu tiên tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo đặt hàng của Nhà nước; nhiệm vụ KH&CN có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến do tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.

Sau 5 năm (2015-2020) triển khai, Quỹ đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo tinh thần phục vụ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ. Quỹ đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất. Các đối tượng được Quỹ xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào: Nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng, công nghệ chế biến,…); Công nghiệp (công nghiệp hỗ trợ, điện tử, tự động hóa, an toàn, an ninh mạng, công nghệ Internet vạn vật, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, mã nguồn mở, thương mại điện tử, các sản phẩm chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu,..); Y – dược (sản xuất vắc-xin, dược liệu, điều trị bệnh,…). Thông qua các nhiệm vụ tài trợ, đã huy động được 782 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện (chiếm 74,5% kinh phí của dự án đã ký hợp đồng). Với các các nhiệm vụ đang xem xét đề xuất, dự kiến huy động được 4.083 tỷ đồng từ doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ tham gia. Doanh thu của các doanh nghiệp hàng năm sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 300 tỷ đồng/năm (lớn hơn NSNN tài trợ). Theo cả chu kỳ công nghệ (5 – 7 năm), doanh thu, lợi nhuận, thuế nộp ngân sách sẽ lớn gấp nhiều lần phần NSNN tài trợ. Đổi mới, cải tiến và phát triển gần 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó giám đốc Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Nhiều nhiệm vụ KH&CN do Quỹ xem xét, tài trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội. Có thể kể đến một số nhiệm vụ như:

(1) Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến các sản phẩm dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Công ty Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre chủ trì.

(2) Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn Alkyd dung môi – nước có hàm lượng VOC thấp với công suất 15.000 tấn/năm” do Công ty Sơn Hải Phòng chủ trì.

(3) Đề tài “Nghiên cứu sản xuất tinh bò thuần Blanc-Bleu-Belge (BBB) đông lạnh dạng cọng rạ và thử nghiệm phương pháp phân tách tinh phân giới’’ do Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội chủ trì.

(4) Dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất vắc xin virus thú y đạt tiêu chuẩn GMP – WHO bằng công nghệ nuôi cấy tế bào (Micro carrier) và phôi trứng” do công ty TNHH Dược Hanvet chủ trì.

GS. Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng bộ KH&CN, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát biểu tại Hội thảo

Ngoài ra, còn nhiều nhiệm vụ khác như: Dự án “Đổi mới công nghệ trồng và chế biến cây Xạ can thành sản phẩm điều trị, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp mà hạn chế dùng đến thuốc kháng sinh”; Dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất, lắp ráp thùng xe tải mui bạt phủ cỡ nhỏ và cỡ trung trên cơ sở module hóa kết cấu thùng xe”; Dự án “Nghiên cứu làm chủ dây chuyền công nghệ, thiết kế, chế tạo hợp bộ máy biến áp phòng nổ công suất đến 1250 kVA, sử dụng trong khai thác than hầm lò và các công trình ngầm”; Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, tích hợp và chế tạo hệ thống tự động hóa quản trị doanh nghiệp toàn diện DME cho các doanh nghiệp SXKD trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam”; Đề tài “ Phát triển mở rộng, đổi mới công nghệ phần mềm lõi mã nguồn mở OpenCPS dùng để triển khai dịch vụ công trực tuyến các cấp độ đáp ứng Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử”; Đề tài “Ứng dụng một số công nghệ mới để đánh giá khả năng sản xuất và chất lượng thịt của các cặp lai (BBB x Red Brahman Úc, Charolais x Red Brahman Úc, Red Angus x Red Brahman)”; Dự án “Xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái tại ấp Cây Giá, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu”,… đã được Quỹ triển khai, nghiệm thu và đã được Hội đồng KH&CN đánh giá cao. Việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ đã hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, giảm phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh với các sản phẩm khác trên trường quốc tế. Đồng thời cũng mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao trình độ, năng lực công nghệ và sự phát triển của doanh nghiệp; có tác động lan tỏa và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

PGS.TS Lê Minh Sắt – Phó giám đốc công ty Dược thảo Thiên Phúc phát biểu tại Hội thảo

Định hướng giai đoạn 2021 – 2025, nhằm xây dựng Quỹ NATIF tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu quả, đóng góp hiệu quả cho các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 29/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Theo Điều lệ mới, quy mô vốn điều lệ của Quỹ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Quỹ sẽ triển khai các hoạt động chính: Cho vay ưu đãi; Hỗ trợ vốn bằng nguồn kinh phí của Quỹ và Hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí NSNN; Hợp tác trong và ngoài nước về đổi mới công nghệ; Hỗ trợ lãi suất vay vốn; Tiếp nhận vốn viện trợ, đóng góp; Bảo lãnh để vay vốn cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015, vừa là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, vừa là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

 

Hoàng Giáp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây