Thủy điện Nậm Pông đi vào hoạt động, barie và biển cấm mọc lên, đồng bào Quỳ Châu khốn đốn

STNN - Ngay khi Nhà máy Thủy điện Nậm Pông đi vào hoạt động, lập tức có một rào chắn barie và biển “cấm xe tải trên 10 tấn” được dựng lên khiến hàng trăm hộ dân trồng keo thuộc 2 xã Châu Hạnh và Châu Phong (Quỳ Châu, Nghệ An) chao đảo vì giá thành vận chuyển tăng cao.

Rào chắn và biển cấm xe tải trên 10 tấn được dựng lên tại tuyến đường dẫn vào nhà máy - Ảnh: Ngọc Linh

Men theo con đường độc đạo dẫn thẳng vào Nhà máy Thủy điện Nậm Pông, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang khai thác keo. Đề cập đến việc “doanh nghiệp chặn đường cấm xe tải trên 10 tấn”, như thể chạm đúng nỗi lòng suốt bấy lâu, anh Ngô Văn Dương, một thương lái thu mua keo lâu năm tại thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) chia sẻ: “Con đường này đã có từ lâu rồi, trước là đường đất để phục vụ nhu cầu vận chuyển keo của bà con, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà Nhà máy Thủy điện Nậm Pông lại lập rào chắn barie, chặn xe tải lớn ra vào”.

“Trước đây chúng tôi đâu có vất vả như bây giờ, mỗi khi khai thác keo xong, chỉ cần bốc lên xe lớn và vận chuyển thẳng đến nhà máy. Giờ đây, chúng tôi phải chia lẻ thành nhiều chuyến xe nhỏ để đưa gỗ ra ngoài, theo cách này vừa tốn sức người lại đẩy giá thành vận chuyển lên cao, chung quy cả người mua keo lẫn người trồng keo đều thua thiệt” - Anh Dương không giấu nổi bức xúc.

Keo khai thác xong phải chờ bốc lên xe nhỏ rồi mới được vận chuyển tiếp ra xe lớn khiến giá vận chuyển bị “đội” lên - Ảnh: Ngọc Linh

Những người trong cuộc quả quyết, sau khi Nhà máy Thủy điện Nậm Pông “cấm xe” thì hiệu quả kinh tế sụt giảm thấy rõ. Lẽ thường, một chuyến hàng có thể thu được 200 triệu đồng nhưng giờ chỉ loanh quanh 150 triệu đồng, chưa kể phát sinh thêm công cán, thành thử trồng rừng vốn đã vất vả mà nay vận chuyển khó khăn khiến lời lãi được chẳng đáng bao nhiêu.

Bàn đến thực trạng này, ông Lê Hải Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu xác nhận: “Năm 2019, Nhà máy Thủy điện Nậm Pông nâng cấp đường đất thành đường nhựa, hoàn thiện xong thì Nhà máy lập barie chắn lại, chỉ xe con hay xe 2,5 đến 3 tấn được phép lưu thông, những loại xe tải trọng lớn hơn không được vào.

Nhà máy nói rằng đây là “đường của họ”, nhưng trên thực tế trước đó con đường này là đường sản xuất của người dân. Ban đầu, nhà máy khẳng định sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, tuy nhiên khi họ làm xong đường thì cấm xe tải trọng vì lo ngại đường xuống cấp. Bây giờ, người dân phải mất 2 lần vận chuyển cho 1ha keo khi khai thác ra, điều này kéo theo chi phí lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của đồng bào. Nhận thấy những bất cập trên, cử tri đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu nhà máy tháo chắn đường để người dân phát triển sản xuất, tuy nhiên phía nhà máy chưa có động thái gì”.

“Chúng tôi đã thông tin với nhà máy, xác định hoạt động trên địa bàn thì phải phối hợp với chính quyền địa phương, ngoài công tác phòng chống thiên tai phải có trách nhiệm để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu doanh nghiệp vẫn kiên quyết chặn đường thì huyện sẽ gửi văn bản lên tỉnh, nếu giao đất rồi huyện sẽ đề nghị thu hồi lại. Doanh nghiệp muốn hưởng lợi mà chặn đường sống của người dân là không được”- ông Lê Hải Lý nhấn mạnh.

Hiểu rõ những khó khăn của đồng bào, UBND huyện Quỳ Châu đã nhiều lần đấu nối, mời Chủ đầu tư xuống làm việc nhằm sớm gỡ bỏ nút thắt. Gần nhất, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 599/UBND-KTHT ngày 26/5/2022 gửi trực tiếp cho CTCP ZaHưng, đơn vị vận hành thủy điện Nậm Pông yêu cầu “tháo dỡ khung chắn đường để đảm bảo phương tiện vận tải được phép lưu thông, đảm bảo lợi ích của nhà máy cũng như sinh kế của người dân tại các vùng lân cận”.

Đáp lại, Công ty ZaHưng đã có văn bản phản hồi: Sẽ xem xét, phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện Quỳ Châu đề xuất xây dựng “quy chế phối hợp, quản lý và sử dụng tuyến đường thi công vận hành Nhà máy Thủy điện Nậm Pông nhằm hỗ trợ người dân địa phương được đi lại, vận chuyển nông sản…”. Trên văn bản là vậy, thực tế tình hình chưa mảy may chuyển biến.

Tuyến đường dân sinh nối đường tỉnh 544 tại km2+200 có chiều dài 15km, từ bao đời nay người dân bản địa vẫn đi lại và sản xuất. Nằm trong địa phận này có khoảng 600 héc ta đất lâm nghiệp của hơn 100 hộ dân thuộc 2 xã Châu Hạnh và Châu Phong.

Tuyến đường phục vụ thi công và vận hành nhà máy thủy điện Nậm Pông được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 281620 và BĐ 281621 ký ngày 18/1/2012. Xoay quanh vấn đề này, dư luận đặt câu hỏi: “Vì đâu tuyến đường dân sinh của hơn trăm hộ dân miền núi Quỳ Châu lại nghiễm nhiên biến thành “của riêng” phục vụ lợi ích của doanh nghiệp?”

Ngọc Linh