Tìm hiểu ý nghĩa của việc dâng hương, đèn, hoa, hoa quả trong Phật giáo

Vào các ngày rằm, mồng một, ngày lễ tết… người Việt thường đến chùa lễ Phật với tấm lòng thành kính. Khi đến dâng hương ở chùa, người Việt thường sắm sanh lễ vật là hương (nhang), đèn, hoa, hoa quả. Vậy, những lễ vật ấy có ý nghĩa như thế nào?

Hình minh hoạ. Ảnh: phatgiao.org

Hương: Trong văn hóa dân gian, làn khói hương tượng trưng cho việc truyền tín hiệu từ thế giới thực tại đến cõi tâm linh (thần linh, cửu huyền) khi muốn thông báo một sự việc hoặc cầu xin điều gì đó, vì thế mà hương còn được gọi là “hương tín”. Nói cách khác, đó là nhịp cầu kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình.

Với người phật tử, nén hương khi dâng trước Phật cũng mang ý nghĩa “hương tín”, hiểu theo nghĩa đang báo tin đến chư Phật, Bồ Tát rằng: “Con đang đứng trước hình tượng của Ngài và nguyện tu học theo hạnh nguyện của Ngài”. 

Đèn, nến (đăng): Đèn nến tượng trưng cho sự soi sáng. Chúng sinh đều có tính thiện, tuy nhiên tính thiện đó còn bị dục vọng thầm kín che mờ mắt. Khi lễ Phật, chúng ta cần phải thể hiện rõ tấm lòng của mình, dâng nến lên Đức Phật để soi tỏ chân tâm thiện ý đồng thời biểu hiện sự thành kính đối với Phật, cúng tiến Phật vật phẩm trong sạch, tốt đẹp.

Hoa: Hoa là tinh túy của các loài thảo mộc được hấp thu và phát triển từ thiên nhiên. Dâng hoa tươi cúng Phật là đem hương thơm thanh khiết, trang nghiêm để dâng lên Ngài.

Cúng hoa trước tượng Phật tượng trưng cho việc tu nhân. Thế gian hay Phật pháp đều không rời nhân quả, đều dựa trên nền tảng của nhân quả. Các loài hoa được dâng cúng đều là loài hoa tỏa ra hương thơm thanh khiết. Thấy hoa, chúng ta nghĩ đến việc phải tu nhân thiện bằng những việc làm có ích cho mọi người, mọi loài. Có như vậy tương lai chúng ta mới gặt hái quả tươi tốt. Trong cuộc sống hàng ngày, khi ứng xử, giao tiếp với mọi người, ta cần phải “tỏa ra hương thơm” của đức hạnh, của các phẩm chất cao quý.

Trái cây (quả): Cúng quả tượng trưng cho kết quả, quả báo từ việc tu hoa lục độ mà thành…  Phật tử thường thực hành hạnh bố thí đến mọi người, mọi loài thì quả đối với bản thân là phát tài, thông minh, mạnh khỏe, sống thọ. Khi nhìn quả, sẽ nghĩ tới nhân để tự soi sáng mà tu nhân. Từ lý mà nói, quả biểu thị cho đức, là kết quả của trí tuệ viên mãn.

Nước: Là đồ cúng rất quan trọng. Đặc tính của nước là trong sạch, phẳng lặng, thuần khiết. Nước khi không nổi sóng là tĩnh lặng, nghĩa là bình đẳng. Dâng nước để thể hiện tâm ta thanh tịnh. Khi chúng ta dâng nước lên Đức Phật, bản thân ta nguyện cầu có được tâm tĩnh như nước. Tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng chính là tâm Phật, là thật tâm. 

Bởi vậy cho nên, khi chúng ta dâng cúng hương, đèn, hoa, hoa quả lên Đức Phật đó là thành tâm ta mong cầu nhờ nghiệp lực vô biên của Phật, chư vị Bồ Tát, các bậc thánh hiền mà có được thiện duyên, giác ngộ, tâm thanh tịnh, cuộc sống ấm no hạnh phúc… 

 Đức Cường (sưu tầm)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây