STNN - Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất đường trong khối ASEAN. Ngành mía đường là một ngành công nghiệp quan trọng và mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ngành này vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất.
- Hướng tới phát triển bền vững mía đường Việt Nam
- Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng một số vật liệu mới từ phế phụ phẩm mía đường và lúa để nâng cao giá trị gia tăng và phục vụ nông nghiệp bền vững
Thách thức trong quá trình sản xuất
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới, tuy nhiên sản lượng mía của Việt Nam vẫn chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Theo số liệu thống kê, trong vụ 2022-2023, cả nước có 169.451 ha mía, tăng 2,14% so với vụ trước là 165.899 ha; năng suất bình quân đạt 66,7 tấn/ha, tăng 1,06% so với vụ trước đạt 66,0 tấn/ha; sản lượng mía đạt 11.083.000 tấn, tăng 3,19% so với vụ trước đạt 10.740.900 tấn. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có 11. 601 ha, giảm 3,69% so với vụ trước là 12.046 ha; năng suất bình quân đạt 70,0 tấn/ha, tăng 0,43% so với vụ trước đạt 69,7 tấn/ha; sản lượng mía đạt 812.300 tấn, giảm 3,55% so với vụ trước đạt 842.189 tấn; mía chủ yếu tập trung tại Tây Ninh (6.255 ha, tăng 1,94% so với vụ trước 6.136 ha) và Đồng Nai (4.070 ha, giảm 11,06% so với vụ trước 4.576 ha).
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là việc cơ giới hóa các khâu làm đất chưa được đẩy mạnh, đặc biệt là trong khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân và thu hoạch. Đồng thời, việc bảo vệ thực vật cũng còn hạn chế, chỉ một số vùng nhất định áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Ngoài ra, năng suất đường của Việt Nam cũng chưa đạt mức cao so với các nước trong khu vực.
Sản lượng mía của Việt Nam chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển vốn có. Để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường, cần củng cố chuỗi liên kết sản xuất bằng cách nâng cao năng suất chuỗi, qua đó nâng cao thu nhập của người nông dân trồng mía, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Nghiên cứu giống mía: Chúng ta có thể kể đến nghiên cứu về giống mía VN12-23 (VN12-81-23), VN08-259 (VN08-05-259), VNN01 (Uthong 12) do Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI) tự công bố lưu hành ngày 28/9/2022 tại các tỉnh Gia Lai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Gia Lai. Ngoài ra, còn có các công trình nghiên cứu “Quy trình sản xuất giống mía 3 cấp”; “Quy trình thâm canh mía cải tiến phù hợp với địa hình đất dốc tại Tây Nguyên”; “Quy trình canh tác áp dụng cơ giới hóa cho các giống mía mới trong điều kiện thâm canh”; “Quy trình canh tác áp dụng cơ giới hóa cho các giống mía mới trong điều kiện canh tác nhờ nước trời”… góp phần vào sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam.
Song song với các nghiên cứu cải tiến các tiến bộ kỹ thuật của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp mía đường cũng chủ động cải tiến và nâng cấp những công nghệ, kỹ thuật sản xuất mía đường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện sản lượng.
Công ty cổ phần Mía Đường Lam Sơn (LASUCO) đã ứng dụng công nghệ lắng nổi, công nghệ trao đổi ion làm sạch dịch đường, công nghệ khuếch tán trích ly đường để giảm thiểu việc phải sử dụng hóa chất và tăng hiệu quả sản xuất, ứng dụng lò hơi cao áp trong sản xuất đồng thời phát điện làm tăng hiệu quả nồi hơi, giảm nhiệt lượng phát thải. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất đường đã giúp nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, nâng cao hiệu suất tổng thu hồi. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa sử dụng lò hơi trên dây chuyền hàng năm có thể tiết kiệm nguồn nguyên liệu bã mía, với giá trị từ 5 - 7 tỷ đồng. Việc ứng dụng sáng kiến “Thiết kế và gia công, chế tạo, lắp đặt hệ thống xử lý nguyên liệu đường thô" đã giúp dây chuyền có thể xử lý thêm được từ 20.000 - 40.000 tấn nguyên liệu đường thô nhập khẩu, giúp đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào. LASUCO còn đầu tư 245 tỷ đồng cho nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của Cộng hòa Liên bang Đức với công suất 120 triệu hộp/năm. LASUCO còn có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn với chức năng thu thập, chọn lọc, nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô (khu nhà nuôi cấy mô diện tích 5.000 m2 đã cho ra đời 3 - 5 triệu cây giống/năm), áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến như tưới nước nhỏ giọt, trồng mía, chăm sóc và thu hoạch bằng máy.
Công ty TNHH Mía Đường Nghệ An (NASU) đã ứng dụng hệ thống tia hồng ngoại NIR minh bạch kiểm tra tạp chất và độ đường, đồng thời phát triển sản phẩm này mang thương hiệu NASU, tiết kiệm chi phí 10.000 USD/năm; ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý vùng nguyên liệu (GPS, hệ thống Mapinfo, database); tích hợp công nghệ đồng phát điện từ bã mía vào quy trình sản xuất, phục vụ 100% nhu cầu sử dụng của nhà máy.
Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) sở hữu Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công và nhiều trại giống mía có chức năng thu thập, khảo nghiệm, nhân và cung cấp giống mía; thực nghiệm về kỹ thuật canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thách thức và hướng phát triển
Tăng cường cơ giới hóa
Khâu thu hoạch: Để đối mặt với thách thức năng suất, ngành mía đường cần tăng cường cơ giới hóa, đặc biệt là trong khâu thu hoạch. Đầu tư vào máy móc hiện đại và công nghệ thu hoạch tự động không chỉ giảm chi phí mà còn tăng hiệu suất và giảm thiểu lực lượng lao động.
Nâng cao hiệu quả năng lượng: Áp dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong quá trình thu hoạch và sản xuất, giúp giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ và đồng thời giảm khí nhà kính.
Chuỗi liên kết bền vững
Hợp tác nông dân - doanh nghiệp: Cần tạo ra một chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, chia sẻ thông tin và kế hoạch sản xuất giữa các bên để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng và hài hòa lợi ích.
Bảo vệ quyền lợi nông dân: Cơ quan quản lý cần thiết lập và thúc đẩy các quy định và chính sách bảo vệ quyền lợi của nông dân, đặc biệt là về giá mía, để đảm bảo sự công bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ
Cơ chế đặt hàng: Thiết lập cơ chế đặt hàng dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển mới nhằm cải thiện hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
Chính sách hỗ trợ: Nhà nước cần ưu tiên nhiệm vụ hỗ trợ và chỉ đạo, đặc biệt là trong việc cung cấp nguồn lực cho các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Quy định ưu tiên về khoa học và công nghệ trong chiến lược phát triển ngành mía đường.
Chương Dương