STNN - Trong những năm gần đây, do hiện đại hóa nông nghiệp và mô hình sản xuất công nghiệp hóa, nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái đã nảy sinh, ngày càng nhiều người tiêu dùng bắt đầu lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Theo thống kê từ “Dự báo xu hướng và tổng quan về nông nghiệp hữu cơ thế giới” năm 2022, doanh số bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ toàn cầu năm 2020 đạt 136,8 tỷ USD. Diện tích đất nông nghiệp hữu cơ toàn cầu, số lượng nhà sản xuất hữu cơ và doanh số bán trên thị trường hữu cơ tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục.
- Đức: Phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp carbon thấp
- Phát triển bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn từ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Australia là quốc gia nông nghiệp hữu cơ lớn nhất thế giới. Được thúc đẩy bởi các tổ chức hữu cơ trong nước và nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, Chính phủ Australia đã đưa ra kế hoạch thực phẩm quốc gia và cải thiện các tiêu chuẩn bán hàng, giám sát các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ưu thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của Australia đang dần mở rộng sang thị trường nông sản hữu cơ. Những năm 1980, nông sản hữu cơ và thực phẩm hữu cơ của Australia đã thâm nhập thị trường EU và hiện đã mở rộng sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Nam Á và khu vực Ả Rập. Sản phẩm chất lượng cao và danh tiếng tốt tích lũy lâu dài của Australia, đã được người tiêu dùng công nhận.
Điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ ở Australia
Australia được bao quanh bởi biển, khí hậu trải dài từ vùng nhiệt đới đến vùng ôn đới. So với các lục địa khác, không có dãy núi đặc biệt cao nào ngăn cản, và hiệu ứng điều hòa do đại dương xung quanh mang lại, không có cái lạnh quá mức hoặc nóng cực đoan.
Australia có nhiều loài động vật, thực vật và tài nguyên thiên nhiên độc đáo, có diện tích đồng cỏ rộng lớn, nông trại phân bố rộng khắp, quy mô lớn, dân cư thưa thớt, ít bị tác động từ bên ngoài. Ở vùng khí hậu ôn đới và nhiệt đới, chủ yếu sản xuất trái cây, rau, quả hạch, ngũ cốc, thịt (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, dê) và ô liu, nho được trồng ở những vùng khô nóng. Xét về mặt phân bổ trong khu vực, tiểu bang Victoria góc đông nam của Australia là nơi sản xuất chính các sản phẩm từ sữa; phía nam Australia sản xuất nho và nghề làm vườn là chính; còn tây Australia và Tasmania là nơi sản xuất chính trái cây, dầu ô liu và rau.
Giai đoạn đầu phát triển nông nghiệp hữu cơ
Có một thời gian dài, chính phủ Australia không can thiệp vào thị trường nông nghiệp hữu cơ, các tổ chức tư nhân đã trở thành lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các tổ chức hữu cơ sớm nhất có thể được bắt nguồn từ những năm 1940. Hiệp hội làm vườn và trồng trọt hữu cơ Australia (1944), Hiệp hội phân hữu cơ Victoria Australia (1945) và Hiệp hội đất sống Tasmania (1946-1960) là những tổ chức tiên phong trong nông nghiệp hữu cơ ở Australia và cũng là một trong những tổ chức đầu tiên trên thế giới thúc đẩy canh tác hữu cơ.
Mục tiêu của tổ chức là trồng rau và thực phẩm thông qua các phương pháp tự nhiên và nghiên cứu cách đất có thể khôi phục độ phì nhiêu một cách tự nhiên. Đồng thời, các tổ chức này đã thiết lập mối liên kết và hợp tác sâu rộng với các cơ quan chính phủ như nông nghiệp, y tế và giáo dục để thúc đẩy thực phẩm hữu cơ và các khái niệm canh tác hữu cơ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các tổ chức công nghiệp sản phẩm hữu cơ và các nhà hoạch định chính sách về việc có nên đưa ra định nghĩa pháp lý về hữu cơ hay không.
Xây dựng tiêu chuẩn canh tác hữu cơ
Vào giữa những năm 1980, Hiệp hội Nông nghiệp Bền vững Quốc gia Australia (NASAA) và Liên minh Nông dân Sinh học Australia (BFA) đã phát triển các tiêu chuẩn hữu cơ giới hạn cho thị trường nội địa, là các tiêu chuẩn tự nguyện chứ không phải bắt buộc. NASSAA và BFA là các tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ phi lợi nhuận với các thành viên từ các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bán buôn, bán lẻ, nghiên cứu khoa học, giáo dục, người tiêu dùng và chính phủ. Cuối những năm 1980, khi thương mại xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ toàn cầu tăng lên, Cục Kiểm dịch và Kiểm nghiệm Australia (AQIS) đã kêu gọi xây dựng chính sách chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ quốc gia, để giải quyết vấn đề hạn chế xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ.
Năm 1990, Australia thành lập Ủy ban Tư vấn Sản phẩm Hữu cơ, một phần của Cơ quan Thanh tra và Kiểm dịch Australia, để chuẩn bị các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và sinh học cấp quốc gia, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ tư nhân. Vào ngày 01/01/1992, Australia ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia về Sản phẩm Nông nghiệp Hữu cơ và Sinh học, cung cấp khung pháp lý cho sản xuất, chế biến, vận chuyển, dán nhãn và nhập khẩu nông sản hữu cơ. Tiêu chuẩn này đã được sửa đổi nhiều lần trong năm 1998, năm 2002, năm 2005 và năm 2009, tập trung vào các vấn đề như việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường.
Năm 2003, Ủy ban Tư vấn Sản phẩm Nông nghiệp Hữu cơ được đổi tên thành Ủy ban Tư vấn Xuất khẩu Công nghiệp Hữu cơ Australia (OIECC), thay đổi hiệu quả chính sách nông nghiệp hữu cơ của Australia. Các thành viên của OIECC bao gồm Cục kiểm tra và kiểm nghiệm Australia, 7 tổ chức chứng nhận hữu cơ tư nhân, cụ thể là Viện nghiên cứu động lực học (BDRI), BFA (chứng nhận ACO), NASSAA, Chuỗi thực phẩm hữu cơ (OFC), Thực phẩm an toàn Queensland (SFQ), Nhà sản xuất hữu cơ Tasman (TOP) và AusQual cũng như các sở nông nghiệp của chính quyền địa phương, Liên đoàn Hữu cơ Australia, Dự án Hữu cơ của Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Australia (RIRDC)…
Thương mại quốc tế các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Hiện tại, các tổ chức chứng nhận của Australia đã tiếp cận 85 điểm đầu cuối của khách hàng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và IFOAM cùng 12 quốc gia thương mại tái xuất khẩu qua Australia.
Trong đó, ACO, BDRI, NASSAA và OFC chịu trách nhiệm kiểm tra và chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Australia xuất khẩu sang EU, Thụy Sĩ và Nhật Bản; ACO, AusQual, BDRI và NASSAA chịu trách nhiệm đánh giá yêu cầu các dự án hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ; Hàn Quốc công nhận chứng nhận của ACO, BDRI, NASAA và OFC; New Zealand, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Canada công nhận các tiêu chuẩn nội địa của Australia.
Hiện nay, Cục Năng suất thuộc Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp Australia chịu trách nhiệm về chính sách sản phẩm hữu cơ trong nước và Cục Kiểm nghiệm kiểm dịch chịu trách nhiệm về chính sách xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, bao gồm các tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sinh học và chứng nhận sản phẩm hữu cơ xuất khẩu.
Quỹ nghiên cứu và phát triển hữu cơ từ năm 2005 bắt đầu lập kế hoạch 5 năm, đặc biệt dành cho nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, đồng thời Công ty nghiên cứu và phát triển nông thôn (RDC) hoạt động theo hình thức hợp tác chính phủ - doanh nghiệp, cùng nhau thực hiện tài trợ và thiết lập các hướng đầu tư nghiên cứu, kịp thời chuyển giao kịp công nghệ tiên tiến vào sử dụng thương mại. Trong những năm gần đây, Australia đã đạt được kết quả nghiên cứu khoa học đẳng cấp thế giới về nông nghiệp carbon thấp, nông nghiệp bền vững, sức khỏe động thực vật…, đồng thời trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về quản lý tài nguyên nước.
Bắt đầu từ năm 2007, để khuyến khích những người nông dân ngại rủi ro chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang sản xuất hữu cơ, Australia đã thành lập Liên minh những người trồng trọt hữu cơ Australia (OGA) để cung cấp đào tạo và thanh toán chi phí chứng nhận hữu cơ cho các hộ nông dân nhỏ. Các tổ chức công nghiệp nông nghiệp hữu cơ như NASSAA, BFA, OFA… quản lý việc trồng trọt, sản xuất và bán hàng hữu cơ của các nông dân nhỏ. Về xuất khẩu, chính phủ Australia đang tích cực tìm hiểu thị trường Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Độ để loại bỏ những bất lợi về giá và tăng thu nhập của các nhà sản xuất và vận hành nông nghiệp hữu cơ; đồng thời, mở rộng sản xuất, chế biến nông sản hữu cơ trong nước thông qua thay thế nhập khẩu, giải quyết tình trạng dư cung nông sản hữu cơ tươi, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hữu cơ, tạo việc làm.
Chử Ngọc (theo: Chuangyixinnengyuan)