STNN - Sau 60 năm hình thành và phát triển, Vườn quốc gia Cúc Phương vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cách đây 60 năm, ngày 07/7/1962, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập “Khu rừng Cúc Phương”, nay là Vườn quốc gia Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Sứ mệnh ban đầu của Vườn quốc gia Cúc Phương là nghiên cứu khoa học về thực vật, động vật và lâm học nhiệt đới. Trải hơn 60 năm, với những nỗ lực không ngừng từ đội ngũ cán bộ của Vườn, rừng Cúc Phương ngày càng bình yên, số loài và tần xuất xuất hiện cá thể động vật hoang dã trong rừng ngày càng tăng, đây là dấu hiệu tốt cho hệ sinh thái ổn định, thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức đến học tập, nghiên cứu.
Cúc Phương có hơn 2.500 loài thực vật và hơn 300 loài nấm, trong đó đã công bố 1 chi, 5 loài mới cho khoa học như: Chè hoa vàng Cúc Phương, Thu hải đường Cúc Phương, Lan Việt, Trâm Cúc Phương, Dị hùng Cúc Phương. Vườn cũng đã ghi nhận 669 loài động vật có xương sống; trong đó ghi nhận 3 loài đặc hữu gồm Sóc bụng đỏ, cá Niết và Thằn lằn tai Cúc Phương. Vườn cũng ghi nhận hơn 1.900 loài động vật không xương sống; trong đó, có nhiều loài mới cho khoa học như Nhện, Chuồn chuồn Cúc Phương.
Vườn thực vật được xây dựng với diện tích 167ha, trồng, sưu tập và bảo tồn hơn 800 loài thực vật. Đây cũng là Vườn thực vật đầu tiên trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Vườn đã thực hiện cứu hộ trên 4.600 cá thể động vật, sinh sản trên 650 cá thể và tái thả về tự nhiên trên 1.200 cá thể. Số đang cứu hộ, bảo tồn tại Vườn là 78 loài với trên 2.700 cá thể quý hiếm.
Song hành trong công tác điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, Vườn đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế cũng đã giúp Vườn lồng ghép nguồn lực, hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, trang bị được một số cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và khoa học của Vườn.
Vườn quốc gia Cúc Phương đã và đang hoàn thiện "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm thú vị, ý nghĩa, từng bước đưa Vườn trở thành "trường học" lớn về thiên nhiên, là điểm đến hàng đầu của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, du khách trong nước và quốc tế. Liên tiếp 4 năm, từ năm 2019 đến 2022, Vườn được tổ chức World Travel Awards bình chọn là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Ghi nhận những thành tích và đóng góp của Vườn quốc gia Cúc Phương vào sự nghiệp phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập thể Vườn quốc gia Cúc Phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị biểu dương, chúc mừng những kết quả mà Vườn quốc gia Cúc Phương đã đạt được thời gian qua, đồng thời yêu cầu tập thể lãnh đạo và cấp ủy Vườn quốc gia Cúc Phương cần tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng bằng nhiều giải pháp để xác định bảo vệ rừng là gốc, hướng đến mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng; mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học; khẩn trương xây dựng đề án du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp nhằm đầu tư, khai thác các lợi thế, tạo nguồn thu ổn định, bền vững.
Bảo Lâm