STNN - Nuôi mèo, chó hay các loại thú cưng là lựa chọn của nhiều người. Có rất nhiều chú mèo xinh xắn, dễ thương, đáng yêu. Tuy vậy, cũng có những giống mèo ngoại lệ, mà một trong số đó là mèo chân đen châu Phi. Ẩn dưới vẻ ngoài nhỏ nhắn, dễ thương của chúng là sự nguy hiểm khôn lường. Vì thế, mèo chân đen được mệnh danh là "loài mèo nguy hiểm nhất quả đất"!
- Những hình ảnh đoạt giải thưởng Nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã năm 2021
- ‘Thú vui’ từ mua bán động vật hoang dã có thực sự vui?
Hai cái "nhất" của mèo chân đen
"Cái nhất" đầu tiên: Ở châu Phi, đây là động vật họ mèo có kích thước cơ thể nhỏ nhất. Thậm chí, trên phạm vi toàn cầu, mèo chân đen là loài mèo nhỏ thứ hai, chỉ sau mèo đốm gỉ (loài này chỉ sinh sống ở Ấn Độ và Sri Lanka).
Chiều dài cơ thể của mèo chân đen là 35 - 49cm, chiều dài đuôi là 12 - 20cm, trọng lượng của con cái là 1 - 1,6kg và trọng lượng của con đực là 1,5 - 2,4kg. Trọng lượng trung bình của mèo nhà là khoảng 3 - 4,5kg, nên so với mèo nhà, mèo chân đen quá ư nhỏ bé. Chúng có màu lông vàng nhạt hoặc màu trà, với những đốm đen hoặc nâu khác biệt. Điều quan trọng là chúng có lông tơ màu đen ở lòng bàn chân, đây cũng chính là nguồn gốc tên gọi của chúng.
Đừng đánh giá thấp những lông tơ màu đen này bởi chúng rất hữu ích. Nơi mèo chân đen sinh sống là châu Phi. Khi chúng di chuyển trên sỏi đá khô nóng, những sợi lông này giúp bảo vệ lòng bàn chân khỏi bị bỏng. Tất nhiên, những sợi lông này cũng là bộ phận giảm thanh tự nhiên.
Do thời tiết khô và nóng ở châu Phi, mèo chân đen thích ra ngoài vào ban đêm, khi nhiệt độ tương đối dễ chịu. Đêm đến, mèo chân đen sẽ cho chúng ta thấy những kỹ năng săn mồi siêu hạng, những kỹ năng độc nhất vô nhị, và lúc này chúng hiện nguyên hình là những sát thủ chính hiệu!
Trước hết, mèo chân đen có khả năng nhảy siêu hạng. Nói thế nào nhỉ? Nó dễ dàng nhảy lên độ cao 1,4m và nhảy xa hơn 2m. Thoạt trông, con số này không có gì đáng kể, nhưng hãy làm phép so sánh: với tỷ lệ về kích thước cơ thể, thì một chú sư tử phải nhảy cao được 10m và nhảy xa tới 9m mới “có cửa” so sánh với thành tích của mèo chân đen. Rõ ràng, sư tử không thể đáp ứng tiêu chuẩn này!
Thứ hai, mèo chân đen nhanh nhẹn, động tác săn mồi nhanh như chớp. Có người từng muốn chụp ảnh mèo chân đen đang săn mồi, nhưng vì tốc độ của mèo chân đen quá nhanh nên máy ảnh thông thường không thể chụp rõ nét. Kết quả là người ta phải sử dụng máy ảnh chuyên dụng và kỹ thuật đặc biệt mới “săn” được ảnh của chúng.
Cuối cùng, hãy nói về “cái đầu to” của mèo chân đen. Nếu quan sát kỹ những bức ảnh chụp mèo chân đen, bạn sẽ thấy đầu của chúng chiếm tỉ lệ đáng kể so với toàn thân. Điều này cho thấy, mèo chân đen có hộp sọ lớn và lực cắn mạnh. Khi mèo chân đen săn mồi, nhờ khả năng nhảy siêu việt và tốc độ tấn công nhanh, nó có thể bắn mình lên không trung và cắn chặt con chim đang bay.
Nhờ các kỹ năng “trời phú” như vậy, mèo chân đen có tỉ lệ săn mồi thành công rất cao. Theo thống kê, mèo chân đen có thể săn được 10 - 14 con mồi trong 1 đêm, tỷ lệ thành công lên tới 60 - 80%.
Người ta vẫn gọi sư tử là “anh cả” trong họ nhà mèo. Nhưng con số thống kê cho thấy, khi sư tử ở đồng cỏ Serengeti châu Phi săn mồi, tỉ lệ săn thành công theo nhóm hai hoặc ba con sư tử là khoảng 25%. Và nếu săn mồi một mình, tỉ lệ thành công của sư tử chỉ là 17 - 19%.
Mèo chân đen có thân hình nhỏ nhắn nhưng tỉ lệ săn mồi thành công cao hơn sư tử ít nhất 40%, điều này không khỏi khiến người ta phải thán phục! Mèo chân đen quả không hổ danh là “loài mèo nguy hiểm nhất quả đất”!
Tại sao không thể dùng một "con mèo hoang nhỏ" vạn năng như vậy làm thú cưng?
Mèo chân đen tuy thân hình nhỏ nhắn, nhưng nó là một loài dã thú, bản tính hung dữ, bản năng tự vệ rất mạnh, rất dễ tấn công con người. Nếu bạn thực sự nuôi một con vật như vậy trong nhà, bạn không những không thể chơi với nó mà còn có thể bị nó tấn công. Đây không phải là nuôi thú cưng mà rõ ràng là đang nuôi sự nguy hiểm, có thể rước họa vào thân.
Tất nhiên, còn có một lý do quan trọng khác khiến mèo chân đen không thể được nuôi làm thú cưng, bởi nó là loài động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và chỉ có 13.000 cá thể trong tự nhiên.
Hiện tại, mèo chân đen vẫn đang đứng trước các mối đe dọa bởi người dân địa phương có thể giết chúng do nhầm lẫn chúng với các loài mèo khác. Đồng thời, mèo chân đen và mèo nhà có thể giao phối với nhau, gen của chúng đang bị lai tạp và không giữ được gen mèo chân đen thuần chủng. Vì vậy, việc bảo tồn giống mèo chân đen là cần thiết, nhưng tất nhiên không thể nuôi chúng như là thú cưng rồi!
Lê Thúy