Mỗi năm, cả nước sản xuất khoảng trên dưới 7 triệu ha lúa ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngành Nông nghiệp xác định lĩnh vực canh tác lúa đang là nguồn phát thải khí cacbonic lớn với sự quan trọng của ngành lúa gạo, việc thay đổi sang canh tác thân thiện với môi trường là điều tất yếu. Mô hình canh tác lúa thông minh đang được ngành Nông nghiệp và các đơn vị tích cực triển khai với mong muốn đây là quy trình canh tác chung cho toàn quốc trong thời gian tới.
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền cho biết, chương trình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2021-2022 của Bộ NN&PTNT đã được triển khai thực hiện với quy mô 24 mô hình tại 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới đây cho thấy, trong tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá lúa giảm và thời tiết, dịch bệnh trong vụ đông xuân vừa qua diễn biến bất lợi cho canh tác lúa thì 24 mô hình đều đạt được hiệu quả rất tốt. Trong các nông hộ thực hiện, nhiều mô hình đã tiết giảm chi phí đáng kể so với đối chứng, tiêu biểu có 10 ruộng mô hình đã giảm chi phí đầu tư trên 3 triệu đồng/ha, cá biệt có ruộng mô hình giảm gần 8 triệu đồng/ha.
Tại Hà Nội, chương trình canh tác lúa thông minh cũng đang được ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai và đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sản xuất nông nghiệp thông minh không chỉ bảo đảm tăng thu nhập cho người sản xuất mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, cải thiện môi trường theo hướng "sản xuất nhiều hơn" với đầu tư ít hơn để góp phần tạo nên nền "Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh".
Với nông dân, việc sản xuất thông minh chính là liên kết, tiếp thu, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiến bộ đã được các nhà khoa học nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn canh tác. "1 phải" là sử dụng giống xác nhận; "6 giảm" là: Giảm lượng giống, giảm bón thừa phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, mỗi năm Hà Nội sản xuất khoảng 160.000ha lúa, là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn của cả nước. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã xây dựng được quy trình sản xuất lúa thông minh và có tới hơn 70% diện tích lúa được áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến một phần hoặc toàn phần, qua đó giảm rất nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất tại tất cả khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Đặc biệt, việc dự báo sâu bệnh hại được đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông bám sát nên có tới hơn 90% diện tích lúa mùa không phải phun thuốc bảo vệ thực vật.
Cần sớm có quy trình toàn quốc
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, chương trình canh tác thông minh không chỉ giúp nâng cao hơn nữa trình độ kỹ thuật canh tác của cán bộ kỹ thuật; giúp nông dân, hợp tác xã tham gia mô hình cũng như ngoài mô hình tiếp cận và học hỏi nhiều giải pháp canh tác hiệu quả; góp phần từng bước xây dựng các nhóm nông dân giỏi, mạnh dạn áp dụng giải pháp canh tác mới và là cầu nối để chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa tại các địa phương. Các giải pháp canh tác thông minh đã và đang áp dụng trong chương trình canh tác thông minh đang hiện thực hóa việc đóng góp của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đó là bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27%.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, chương trình canh tác lúa thông minh triển khai theo các mô hình trong những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân nhiều địa phương. Từ thành công của mô hình này cần xây dựng thành quy trình chuẩn của cả nước, không nên để là dạng mô hình cần nhân rộng. Do đó, Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để trình các cấp thẩm quyền, sớm đưa quy trình này vào sản xuất, phù hợp đặc thù từng vùng miền nhằm đem lại đa lợi ích trong sản xuất lúa.
PGS.TS Mai Thành Phụng (thành viên Hội đồng Khoa học, Công ty CP phân bón Bình Điền) cho biết, để thực hiện quy trình canh tác lúa thông minh, nông dân cần tuân thủ các bước cơ bản sau: Bước 1: Vệ sinh đồng ruộng; bước 2: Sử dụng hạt giống lúa cấp xác nhận để gieo trồng; bước 3: Gieo sạ, gieo cấy tập trung; bước 4: Quản lý nước tưới (theo quy trình mới, giảm phát thải khí nhà kính); bước 5: Phòng trừ dịch hại theo IPM (quản lý dịch hại tổng hợp); bước 6: Bón phân cân đối, hợp lý theo 4 đúng; bước 7: Thu hoạch đúng độ chín (85-90%), sử dụng máy gặt đập liên hợp để giảm thất thoát... |
Theo Báo Hà Nội mới