Cháy lên một nhiệt huyết thanh xuân trên “ngôi làng toàn cầu” (kỳ 1)

STNN – Sau khi tốt nghiệp Đại học St.Petersburg ở Nga, hai vợ chồng Ngao Mộc Hi Lặc (Aumushile) và A Lạp Đằng Cát Như Cách (Alatengiruge) trở về đại thảo nguyên Xilingol (Tích Lâm Quách Lặc) ở Nội Mông Cổ. Họ đã thay đổi phương thức chăn nuôi gia súc truyền thống của tổ tiên, làm cháy lên một nhiệt huyết thanh xuân.

Thảo nguyên chính là nhà của chúng tôi

Ngao Mộc Hi Lặc lớn lên trên đồng cỏ, chạy đuổi theo ngựa, dắt bò dê trên thảo nguyên, cả tuổi thơ gắn với bầy gia súc khi gió thổi cỏ rạp. Năm 2012, anh rời nhà ở Tích Lâm Quách Lặc Minh tỉnh Nội Mông Cổ, tới học ở khóa đào tạo chuyên sâu ở Đại học Nội Mông Cổ tại thành phố Hohhot (Hô Hòa Hạo Đặc hay Hồi Hột).

Sau 4 năm học tập chăm chỉ, Ngao Mộc Hi Lặc không chỉ gặt hái được nhiều thành tích trong học tập mà còn gặp được tình yêu đẹp. Anh đa tài đa nghệ, đặc biệt giỏi bắn cung, từng đoạt giải Nhất và Ba trong các cuộc thi bắn cung dành cho sinh viên đại học ở Nội Mông Cổ. Hình tượng anh hùng của anh đã chiếm được trái tim của cô gái A Lạp Đằng Cát Như Cách. Cô gái này cũng đến từ thảo nguyên, nhỏ hơn anh một tuổi, có đôi mắt lấp lánh và hàm răng trắng sáng, tính tình nhiệt tình, không quản ngại.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai đều muốn khám phá thế giới bên ngoài, nên đã cùng nhau đến Đại học St.Petersburg ở Nga để nghiên cứu xã hội học.

Thời gian học, cả hai nói với nhau rất nhiều chuyện, nhưng nhiều nhất là những câu chuyện về quê hương. Đặc biệt, chứng kiến nền chăn nuôi phát triển ở Nga, hai người không khỏi trăn trở về cách chăn nuôi khá lạc hậu ở quê hương mình. Ý tưởng gặp nhau, họ cùng quyết định quay trở về quê hương.

“Cha mẹ đã già, không còn nhiều sức lực để chăm sóc đàn gia súc. Nếu chúng tôi không quay trở lại, thành quả của hàng chục năm làm việc chăm chỉ của cha mẹ có thể mất đi.” – A Lạp Đằng Cát Như Cách nói – “Có thể ở bên cạnh để giúp đỡ cha mẹ, là một điều rất hạnh phúc”.

Sau hai năm du học, đôi tình nhân trở về quê hương và làm nghề chăn gia súc. Lựa chọn của họ khiến nhiều người không hiểu, có người lạnh lùng nói: “Đi du học nước ngoài hai năm, về lại quanh quẩn bên bò dê, đi học vô ích rồi!”

Cha mẹ của cả hai cũng lo lắng, sợ bọn trẻ sẽ đi theo con đường cũ như mình, cả đời vất vả với việc chăn thả gia súc. Ngao Mộc Hi Lặc nói: “Cha mẹ yên tâm, chúng con được đi học, sẽ dùng phương pháp khoa học để phát triển chăn nuôi”. Nói xong, anh lấy ra một xấp bản kế hoạch dày. Hóa ra, ngay từ khi còn đi học, đôi bạn trẻ đã lên một kế hoạch phát triển hoàn chỉnh cho trang trại của mình, bao gồm thay đổi phương thức kinh doanh sản xuất, điều chỉnh cơ cấu vật nuôi, xây dựng chuồng trại ấm áp cho vật nuôi…

Thấy đôi trẻ quyết tâm khởi nghiệp và tràn đầy tự tin, các bậc phụ huynh cũng an tâm phần nào. Tuy nhiên, những gì xảy ra tiếp theo khiến họ run sợ…

Ngao Mộc Hi Lặc muốn bán 500 con dê của mình, nhập về giống bò ngoại mới. Ý tưởng này phá bỏ truyền thống, lại rất mạo hiểm. Cha mẹ tuy không nói ra, nhưng nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. A Lạp Đằng Cát Như Cách giúp bạn trai trấn an cha mẹ và cho họ xem một số hình ảnh chụp ở trang trại bên Nga: trên đồng cỏ xanh mướt, những nhà kính nối liền nhau, đẹp như một cung điện bằng kính và những đàn gia súc khỏe mạnh, mập mạp thong thả bước.

Được sự ủng hộ của gia đình, bắt đầu từ năm 2019, Ngao Mộc Hi Lặc và A Lạp Đằng Cát Như Cách bắt đầu điều chỉnh cơ cấu giống vật nuôi, với nguồn vốn từ việc bán cừu, họ đã đưa giống bò Simmental (Thuỵ Sĩ) và Angus (Scotland)… về để cố gắng thực hiện cải tiến chăn nuôi.

Trong thời gian ngắn, trên đồng cỏ xuất hiện nhiều “bò ngoại” khiến những người chăn gia súc già đến xem không khỏi thắc mắc, không biết những “giống ngoại” này có thích nghi được không?

Diệu Huyền (Theo Tạp chí Thanh niên nông thôn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây