Hiện nay, có quá nhiều luồng ý kiến/quan điểm cực đoan khi nhìn nhận về vấn đề canh tác sạch, an toàn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không bàn về nông nghiệp hữu cơ mà bàn về việc làm sao để cây lúa phát triển tốt, đảm bảo năng suất, và quan trọng nhất là sạch.
Trước hết, cần phải biết và coi cây lúa là một cơ thể sống, sống thì cần phải có thức ăn - dinh dưỡng cây trồng (hay nôm na là phân bón). Các nhà khoa học đã chứng minh lượng phân bón nguyên chất cần phải có để cung cấp cho 1 tấn lúa thành phẩm (không bao gồm thân, lá, gốc, rễ), gồm có Nitơ 110kg/ ha; P2O5: 34kg/ha; K2O: 156kg/ha, đây là nguyên tố đa lượng không thể thiếu.
Ngoài ra, cần các nguyên tố trung lượng MgO, CaO và S lần lượt là 23, 30, 5kg/ha. Các nguyên tố vi lượng: Fe, Mn, Zn, Cu, B, Si… thì tính bằng gam/ha. Người nông dân trong thời đại mới, ngoài kinh nghiệm còn cần phải có kiến thức khoa học. Đó cũng là lý do mà chúng ta phải tham gia các khóa, các lớp tập huấn khuyến nông.
Đối với các nguyên tố đa lượng thì phải xác định bổ sung như thế nào, lúc nào, định lượng ra sao cho đủ? Tương tự, đối với dinh dưỡng trung lượng cũng vậy. Rồi các nguyên tố vi lượng tuy hàm lượng nhỏ nhưng lại rất quan trọng vì nó quyết định hương vị và chất lượng hạt gạo, các chất này tồn tại sẵn trong tự nhiên và được bổ sung qua các nguồn khác nhau mà ông cha ta ngày xưa vẫn làm, như: dùng phân xanh, phân chuồng…
Kể từ ngày có cuộc “cách mạng” phân bón vô cơ thì vô tình đã tạo nên sự dễ dãi, chúng ta chỉ nhắm tới đích lúa đạt năng suất cao. Hương vị thơm ngon của hạt gạo vì thế cũng giảm dần, mà bởi vì giảm dần nên chúng ta không cảm nhận được. Rồi bất chợt một ngày ta nhận ra sao hạt gạo không còn thơm dẻo như ngày xưa? Là bởi lẽ, có còn các nguyên tố trung, vi lượng đâu mà đòi thơm với dẻo.
Bởi chúng ta lạm dụng phân bón vô cơ, rồi phun xịt hóa chất bảo vệ thực vật nên hệ vi sinh vật đất bị diệt, không có trung gian để phân hủy các chất khó tan, khiến các chất ấy bó cục trong đất dẫn đến đất dần chai cứng, cây mọc lên không hấp thu được dinh dưỡng hoặc chỉ hấp thu được một phần. Từ đó dẫn đến bộ lá yếu, cây còi cọc và người ta lại tiếp tục rải thêm phân, làm tăng chi phí sản mà dinh dưỡng trong hạt gạo lại ít.
Có thể ví hệ vi sinh vật đất giống như một chiếc chìa khóa để mở khóa những nguyên tố “khó tiêu” trong đất thành những chất “dễ tiêu”, cây dễ dàng hấp thu. Giống như cơ thể người cũng vậy: Tuyến tụy và tuyến nước bọt tạo ra amylase để thủy phân tinh bột giúp cơ thể dễ hấp thu. Hiểu được vấn đề này sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề.
Giờ sẽ bàn đến vấn đề định lượng dinh dưỡng cây trồng. Nhiều người tính đến việc ủ cá, ốc, đậu tương để bón cho lúa, vậy bón bao nhiêu là đủ? Trên 1ha lúa cần 110kg Nitơ, để định lượng chính xác thì thật không dễ dàng với người nông dân.
Còn phân gà và phân bò, để bón cho quy mô hàng héc-ta thì phải cần tới vài chục tấn. Liệu dùng xe cont chở về thì có vào được ruộng không, hay lại phải “đổ” tiền cho các khâu vận chuyển? Chưa kể, rồi làm sao để định kỳ 7-10 ngày đi phun qua lá cho lúa “ăn”? Một vài sào thì được, nhưng ở quy mô lớn thì e rằng không khả thi. Còn Kali, có rất nhiều trong thân chuối, vậy cần bao nhiêu tấn thân chuối để đủ lượng theo tiêu chuẩn? Cái này người nông dân cũng khó lòng định lượng được. Bởi vậy mà người nông dân cần các nhà khoa học hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật.
Về bảo vệ thực vật, trước hết nói đến vấn nạn ốc bươu vàng. Nếu bắt bằng tay hay bẫy ốc thì lấy đâu ra đủ người để làm được việc này ở quy mô hàng héc-ta! Nếu chủ động được nguồn nước ra vào, quy hoạch được đồng ruộng tốt, thì cũng dần khống chế được ốc sau vài năm, nhưng ốc con lại theo nguồn nước đi vào! Những người trực tiếp làm lúa quy mô lớn mới “thấm” được cái này. Việc này có thể được giải quyết nếu nguồn nước trước khi đi vào ruộng thì cho chảy qua hệ thống ao, hồ lớn nuôi cá trắm đen, cá trê vàng hay nuôi vịt.
Vấn đề phòng bệnh, sâu hại trên lúa, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc hay chế phẩm sinh học, vi sinh có chứa các vi sinh vật có lợi như: nấm xanh, nấm trắng, BT, Trico, Chaetomium, Steptomyces SP… cứ phun cẩn thận, bệnh sẽ giảm dần qua mỗi mùa vụ. Làm vi sinh, sinh học thì hơi rườm rà một chút, phải nhân nuôi 1, 2 ngày mới đem phun chứ không pha phun ngay như thuốc BVTV hóa học, nhưng đổi lại là an toàn cho sức khỏe.
Cỏ dại thì “ém” được nước khi cấy là tốt nhất. Có điều một ô ruộng mà rộng khoảng 3ha thì khó bởi ngày càng khó thuê nhân công nên việc đi cắt cỏ khá vất vả. Trả công cao thì chủ ruộng không đủ chi phí, trả công thấp thì không có người nào nhận làm. Nếu có thể thì sau khi cày bừa xong phải chia được ruộng thành nhiều ô nhỏ để "ém" nước.
Việc trả lại mùn hữu cơ cho đất là rất quan trọng. Gặt hái xong không nên đốt rơm rạ mà dùng vi sinh phun lên sau đó cày vùi xuống, vừa không ô nhiễm môi trường vừa tốt đất. Thực tế chứng minh nếu xử lý được như vậy sẽ giảm được tối thiểu 30% lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây lúa.
Những kinh nghiệm trên được rút ra từ thực tế làm lúa sạch tại HTX Thương mại & Sản xuất nông nghiệp Đức Nghĩa (Nam Định). HTX đã kiên trì qua 4 mùa vụ với việc chăm sóc cây lúa bằng phương pháp vi sinh, không dùng hóa chất BVTV thì thấy so với lúa của bà con xung quanh, cây lúa của HTX phát triển tốt hơn hẳn về dàn lá; cây cứng cáp, không đổ ngã, hầu như không có sâu bệnh xuất hiện trên đồng ruộng và chống chịu rất tốt với các điều kiện thời tiết, khí hậu bất thường.
Đặc biệt, sản phẩm lúa gạo Đức Nghĩa có chất lượng cao, hương vị thơm ngon, an toàn cho sức khỏe. Tiến tới, HTX Đức Nghĩa mong muốn thành lập một trung tâm học tập cộng đồng để chia sẻ và đồng hành cùng bà con nông dân hướng tới một nền nông nghiệp sạch đúng nghĩa.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).
Hồng Hà