![bo-wagyu-1738815877.jpg](https://sinhthainongnghiep.net.vn/uploads/images/2025/02/06/bo-wagyu-1738815877.jpg)
Phát hiện này được công bố trong nghiên cứu ngày 2/12 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).
Khí metan từ việc ợ và xì hơi của gia súc tác động không nhỏ tới môi trường. Các khí này được thải ra từ bò và bê tạo ra một lượng lớn metan, một loại khí nhà kính mạnh gấp hơn 28 lần carbon dioxide trong việc giữ nhiệt trong khí quyển. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn của gia súc có thể cải thiện lượng khí thải.
Ngành chăn nuôi chiếm khoảng 14,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Cả xì hơi và ợ của bò đều sản sinh ra khí metan, nhưng theo Hội đồng Sữa Hoa Kỳ và NASA, 97% lượng khí metan từ bò được phát thải qua quá trình ợ. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên áp thuế nông nghiệp đối với khí thải từ bò với mức 300 kroner (43 USD) cho mỗi tấn khí metan phát thải từ gia súc, bao gồm cả heo và bò.
Các gia súc thả rông thường phát thải nhiều khí metan hơn so với bò nuôi trong chuồng (feedlot). Nghiên cứu gần đây đã khảo sát hiệu quả của việc cho bò thịt chăn thả ăn rong biển. Nhóm nghiên cứu triển khai nghiên cứu trên giống bò Angus và Wagyu, gồm 24 con bò đực không sinh sản chủ yếu nuôi để lấy thịt thành hai nhóm: một nhóm được bổ sung rong biển và nhóm còn lại không bổ sung rong biển trong chế độ ăn. Thí nghiệm diễn ra trong 10 tuần tại một trang trại ở Dillon, Montana, nơi gia súc được thả rông. Mặc dù chủ yếu là ăn cỏ, song đàn bò vẫn ăn rong biển, và kết quả là giảm gần 40% khí thải metan thải ra môi trường.
Theo chuyên gia Ermias Kebreab, một trong những tác giả của nhóm nghiên cứu, việc cho bò chăn thả ăn rong biển có thể giúp giảm khí thải mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho chúng. Ông nhấn mạnh rằng cần làm cho việc bổ sung rong biển, hoặc bất kỳ phụ gia nào, trở nên dễ tiếp cận hơn cho gia súc nhằm tăng cường tính bền vững trong chăn nuôi.
Mặc dù việc cho gia súc ăn rong biển có thể tốn kém hơn, nhưng một nghiên cứu từ New Hampshire cho thấy một số nông dân sẵn lòng chịu chi phí bổ sung khoảng 64 cent mỗi ngày. Việc mở rộng trồng rong biển cũng là một bước quan trọng để cung cấp nguồn thức ăn bổ sung cho gia súc.
Nghiên cứu này không chỉ mở ra hy vọng cho ngành chăn nuôi bền vững mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính. Việc áp dụng các giải pháp như cho gia súc ăn rong biển sẽ góp phần làm cho ngành chăn nuôi trở nên thân thiện hơn với môi trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.