Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Dự kiến vụ đông 2021, lượng nông sản tiêu thụ lên tới gần 2 triệu tấn. Bộ NN&PTNT và các địa phương đang chủ động đẩy mạnh các giải pháp kết nối với đa dạng hình thức nhằm bảo đảm tiêu thụ thuận lợi rau vụ đông.
Bảo đảm nguồn cung
Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, thành phố Hà Nội đã điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng vụ đông phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng. Về cơ cấu giống, Hà Nội sử dụng các loại giống ngắn ngày, chất lượng cao. Diện tích cây trồng vụ đông các loại là hơn 30.000ha, trong đó, rau vụ đông là 14.849ha, sản lượng hơn 239.661 tấn.
Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, hợp tác xã có 250ha chuyên canh rau, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường 70-80 tấn. Hiện dây chuyền chế biến và các kho lạnh của hợp tác xã chưa đủ công suất bảo quản sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Do đó, hợp tác xã mong muốn được kết nối với nhiều nhà thu mua, phân phối để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho biết, vụ đông 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng hơn 11.000ha với các loại cây trồng chủ lực là khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua...; năng suất hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, tiêu thụ trong tỉnh là 70%, còn 30% tiêu thụ tại các tỉnh khác.
Tương tự, tỉnh Hải Dương cũng là địa phương có diện tích rau màu vụ đông lớn với hơn 20.000ha. Trong đó, 70% sản lượng hành, tỏi tiêu thụ trong nước, 30% xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc...
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, từ nay đến cuối vụ, khu vực Đồng bằng sông Hồng có gần 200.000ha rau màu các loại. Cùng với việc gia tăng diện tích sản xuất tập trung, quy mô lớn và đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các địa phương đã phát huy tối đa năng lực sản xuất, bảo đảm nguồn cung rau cho thị trường.
Đa dạng các hình thức kết nối
Nguồn cung rau, củ, quả vụ đông 2021 dồi dào, song nhiều địa phương lại đứng trước lo lắng về “đầu ra” cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt công tác kết nối, lo lắng này sẽ sớm được giải tỏa. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đáp ứng được 65% nhu cầu thị trường. Đây là cơ hội để các địa phương lân cận đưa hàng về thành phố, nhất là dịp cuối năm. Tăng cường kết nối tiêu thụ giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố chắc chắn sẽ giải tỏa một phần áp lực “đầu ra” cho sản phẩm vụ đông.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) Nguyễn Thị Diễm Hằng thông tin, doanh nghiệp đang tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố cho hệ thống siêu thị NutriMart và luôn ưu tiên tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ và vừa... Tuy nhiên, nhiều địa phương có nguồn hàng lớn nhưng hệ thống sơ chế, chế biến chưa theo kịp năng lực sản xuất, do đó cần chủ động đầu tư sơ chế, đóng gói để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Một trong những kênh tiêu thụ được ưu tiên lựa chọn và đem lại hiệu quả cao trong điều kiện hiện nay là thương mại điện tử. Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) Phan Trọng Lê cho rằng, vấn đề quan trọng là nông sản phải có chất lượng cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các địa phương cần lưu ý hợp tác, kết nối; nông dân thực hiện các phương pháp sản xuất nông nghiệp...
Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, vụ đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng gần 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày. Để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng cao, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng, các địa phương cần thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, tiến độ thu hoạch và quảng bá, kết nối kịp thời với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm lớn để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Theo Báo Hà Nội mới