STNN - Hàng năm, Thừa Thiên Huế thường phải đối mặt với những trận mưa lũ khắc nghiệt, vì vậy, mọi công tác chuẩn bị ứng phó trong các tình huống được lực lượng vũ trang tỉnh đặc biệt chú trọng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Vật liệu thân thiện với môi trường giúp ngôi nhà bền vững trước thiên tai 500 năm
- Diễn tập phòng chống bão lụt chủ động ứng phó với thiên tai
Mùa mưa lũ hàng năm, rốn lũ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không sao tránh khỏi bị thiệt hại. Cũng vì thế, mọi công tác chuẩn bị ứng phó mưa lũ dài ngày của các địa phương trên địa bàn huyện được đẩy nhanh và làm sớm hơn một bước so với cùng kỳ mọi năm.
Cùng với nắm dự báo tình hình thời tiết, toàn huyện duy trì nghiêm chế độ trực, xây dựng, kiện toàn kế hoạch phòng chống bão lụt, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như phương tiện tàu thuyền với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Trung tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cũng như phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi người dân, không chủ quan, lơ là khi mùa mưa bão sắp tới.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy đã triển khai đến các xã, thị trấn xây dựng các kế hoạch, phương án, các kịch bản một cách cụ thể, tỉ mỉ; đồng thời, nắm chắc các hộ gia đình, số lượng từng người dân trong diện di dời, đặc biệt là các địa bàn xung yếu. Triển khai cán bộ địa bàn thường xuyên nắm chắc cơ sở, rà soát nắm chắc lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và sẵn sàng cơ động ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Cùng với củng cố lực lượng, các trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai cũng được các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bổ sung, bảo quản, bảo dưỡng đúng kỹ thuật, với trên1.100 tàu, xuồng, thuyền các loại, hàng chục xe tải, xe lội nước; đồng bộ xe thiết giáp BTR 152 chuẩn bị cho các nhiệm vụ khẩn cấp.
Nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân tư trang cá nhân, hệ thống phao tập thể, phao cá nhân, nhà bạt, lượng xăng dầu… không những dự trữ để phục vụ cho các đơn vị mà còn sẵn sàng cung cấp một phần cho Nhân dân khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã hiệp đồng với các đơn vị của Bộ và Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn để sẵn sàng “chi viện” lực lượng khi cần thiết.
Đại úy QNCN Trần Hữu Thùy, Đội trưởng Đội tàu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: Đội đã chuẩn bị từ con người đến phương tiện vật chất, trang thiết bị như áo phao, sào chống, dây cứu hộ và lượng lương thực, thực phẩm dự trữ đủ cho đội cứu hộ, cứu nạn từ 7 đến 10 ngày.
Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng đến công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện kỹ thuật theo chế độ ngày, tuần, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên vững tay lái, chắc tay chèo, thành thạo các địa hình sông ngòi trên địa bàn đóng quân để khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão lụt đạt hiệu quả.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập, hội thao về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, việc huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ sát với thực tế địa bàn, địa phương, nhất là bổ sung các bài huấn luyện bơi, huấn luyện lái tàu, xuồng, huấn luyện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với các địa hình sông nước.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tập huấn kỹ thuật lái tàu cho 70 cán bộ; kỹ thuật bao gói, liên kết bè mảng, cứu nạn cho 80 cán bộ thuộc các đơn vị, địa phương; đã huấn luyện cứu hộ, cứu nạn cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ.
Đại tá Lê Huy Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chúng tôi đã chủ động tham mưu cho địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công trách nhiệm và tổ chức đánh giá sát đặc điểm tình hình của từng địa phương trên địa bàn, từ đó xây dựng các biện pháp tình huống cụ thể để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh; thứ hai, chủ động xây dựng các phương án, tình huống sát với tình hình nhiệm vụ của từng vùng, từng địa bàn, nhất là cấp xã, phường, thị trấn; chỉ đạo xây dựng lực lượng xung kích, phản ứng nhanh để ứng phó với các tình huống bão lụt xảy ra trên địa bàn.
Với một địa bàn thường xuyên nằm trong vùng ảnh hưởng của mưa lũ như Thừa Thiên Huế, thì việc chủ động chuẩn bị tốt về mọi mặt từ lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, các phương án, sự hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong công tác phòng chống lụt bão, phòng chống thiên tai từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã, sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Trần Tình