STNN - Ngay sau tiếng trống phát động Tết trồng cây của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các đại biểu đã trồng trên 3.000 cây chò chỉ và keo lai mô. Không khí thi đua trồng cây được lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước.
Ngày 15/2/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Giáp Thìn 2024 tại xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Tuyên Quang và các tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang cùng dự, tham gia trồng cây.
Tết trồng cây được tổ chức hàng năm là sự kiện có ý nghĩa lớn, động viên, khuyến khích nhân dân cả nước khởi đầu một mùa trồng cây, trồng rừng, một năm lao động sản xuất thắng lợi; thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Báo cáo tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, sau 3 năm thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, cả nước trồng được 770 triệu cây (đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm) gồm: 335 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435 triệu cây xanh tập trung (tương đương với 212.370 ha).
Trong năm 2023, cả nước trồng được 260.000 ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14,4 tỉ USD, trong đó xuất siêu là 12,2 tỉ USD. Sản lượng khai thác đạt trên 22 triệu m3 gỗ, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì 42,02%.
Cạnh đó, công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, theo hướng giảm cả về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 4.130 tỉ đồng, trong đó lần đầu tiên nước ta thu được từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng với số tiền gần 1.200 tỉ đồng.
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, từ mùa xuân năm 1960 đến nay, mỗi khi tết đến, xuân về nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây. Trong hơn 6 thập niên trôi qua, "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" đã trở thành truyền thống, một tập quán, một nét đẹp văn hóa, một phong trào quần chúng sâu rộng, mang lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Trồng cây gây rừng đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi sinh, cải thiện cảnh quan, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học ngày càng suy giảm, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biển đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ từ các nước phát triển về công nghệ và tài chính để giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng trở nên quan trọng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các ngành, các cấp tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ phát triển rừng; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý, việc tổ chức Tết trồng cây phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để huy động được sự vào cuộc của đông đảo tổ chức, quần chúng; chú trọng chọn lựa cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng phù hợp với điều kiện, thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bàn để bảo đảm cây sau khi trồng sẽ đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả lớn cho người dân.
Thành Lâm