STNN - Trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, vai trò của hoạt động chuyển đổi số đối với ngành Nông nghiệp nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng vô cùng quan trọng.
Lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia góp phần thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình tổng thể Cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Ngày 31/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) ban hành Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP về Kế hoạch chuyển đổi số nhằm: Khởi động Chương trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc ngành và tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp; Đề ra định hướng, phương án, lộ trình triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số thống nhất, hiệu quả. Trong đó, tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022. Lựa chọn ít nhất từ 1 - 2 nội dung/hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực chuyên ngành để triển khai trong năm 2022 (trong đó, lựa chọn một số nội dung ưu tiên thuộc lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi để thực hiện trước).
Vậy lợi ích của chuyển đổi số đối với ngành Nông nghiệp nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng ra sao? Theo các chuyên gia, lợi ích đầu tiên là chuyển đổi số giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu: Với đặc thù vị trí địa lý, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như bão, lũ, suy giảm lưu lượng nước ngọt… Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua), từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời; Thứ hai, chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…; Thứ ba, chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất lao động: Thực tế cho thấy, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng số hóa đã tiết giảm được nhân lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; Thứ tư, chuyển đổi số giúp tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, các công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số như: Công nghệ sinh học, Big Data (dữ liệu lớn) sẽ giúp cơ sở nông nghiệp phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng cây trồng. Qua đó, giúp người nông dân có quyết định đúng đắn hơn về sử dụng lượng phân bón, thời gian canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong kinh tế tuần hoàn, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cần phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp. Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tính năng ưu việt của công nghệ, như công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến..., từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, đồng thời giúp giảm bớt sự phụ thuộc của quá trình sản xuất vào các yếu tố tự nhiên, như thời tiết, khí hậu. Vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển và cũng là xu hướng tất yếu cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải và tác động môi trường, nâng cao năng suất và rút ngắn chuỗi cung ứng.
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn sẽ là "chìa khóa" để quản lý hiệu quả các tài nguyên nông nghiệp thông qua tập trung giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố đầu vào bên ngoài, khép kín vòng dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Những hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp cốt lõi
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã và đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số như:
Xây dựng và phát triển nền tảng cho chuyển đổi số: Chuyển đổi nhận thức; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; triển khai kết nối, liên thông các nền tảng dữ liệu số thông qua các hệ thống, nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ (LGSP), của Quốc gia (VDXP, NGSP).
Phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản điều hành; hệ thống thông tin báo cáo của Bộ để kết nối, truyền dữ liệu đến hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; Hoàn thiện, tích hợp Cổng dịch vụ công vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, triển khai đến tất cả các đơn vị có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính, liên thông với Hệ thống hải quan một cửa quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia; Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) các đơn vị thuộc Bộ; Triển khai số hóa, tài liệu lưu trữ của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ; Hoàn thiện việc chuyển đổi số trong công tác theo dõi đánh giá kế hoạch ngành và theo dõi đánh giá đầu tư công của Bộ, 100% các đơn vị báo cáo trực tuyến qua hệ thống cơ sở dữ liệu).
Phát triển kinh tế số nông nghiệp: Xây dựng thí điểm từ 02 đến 03 mô hình mẫu về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, công nghiệp; mô hình “Làng chuyển đổi số, xã chuyển đổi số”; Tạo điều kiện, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tài trợ, tăng cường nghiên cứu các công nghệ số, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra các dịch vụ nội dung số về nông nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ xã hội, phát triển nền kinh tế số; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng trực tuyến (Diễn đàn kết nối nông sản 970) và trên cơ sở dữ liệu cung cầu của các Tổ công tác của Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, các Bộ, ngành và địa phương).
Phát triển nông dân số, nông thôn số: Phối hợp với các Bộ, ngành triển khai chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân; Xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho hệ thống các trường đào tạo thuộc Bộ; Xây dựng các Câu lạc bộ cộng đồng “Kết nối chuyển đổi số”.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cùng các Sở NN-PTNT các địa phương đã triển khai nhiều chương trình Hội thảo, tập huấn chuyển đổi số nông nghiệp rất thiết thực tại nhiều địa phương trên cả nước. Tiêu biểu như Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững” (ngày 17/8/2023) quy tụ nhiều chuyên gia quốc tế. Phát biểu tại Hội thảo, ông Patrick Haveman, Phó Trưởng Đại diện UNDP (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc) cho biết, UNDP và Bộ NN-PTNT đã phối hợp làm việc trong hai năm qua để thiết lập một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sáng tạo nhằm theo dõi lượng phát thải khí nhà kính đối với hai mặt hàng nông sản xuất khẩu chính là thanh long và tôm. Ông Patrick Haveman tin tưởng rằng, nếu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng có hệ thống các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh hơn. Đồng thời, đại diện của UNDP bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, Bộ NN-PTNT có thể đẩy mạnh ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc quản lý dấu chân carbon cho tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây trở thành một công cụ thiết yếu để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải CO2 của chuỗi cung ứng.
Ngày 14-15/9/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn “Tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt". Lớp tập huấn giúp học viên bổ sung kiến thức, kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ nhằm giảm thiểu phát thải ra môi trường, tận dụng tối ưu các phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, giá trị cao, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, bảo vệ môi trường; từ đó tuyên truyền, khuyến cáo, chuyển giao cho nông dân thực hiện hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ngày 25/4/2024, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam tổ chức Hội nghị tập huấn phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn và du lịch nông thôn cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, đến nay, các giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp và công nghệ đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và đem lại hiệu quả cao. Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương, các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – ngư nghiệp như sử dụng nhà kính, nhà lưới, nhà màng đã được ứng dụng ở nhiều địa phương. Tiêu biểu là các tỉnh thành phố như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh.
Vào ngày 01/7/2016, Việt Nam đã có 5.897,5 ha nhà kính, nhà lưới, nhà màng ở 327 xã. Trong số đó, có 2.854,3 ha (48,4%) trồng hoa; 2.144,6 ha (36,4%) trồng rau; 661,1 ha (11,2%) gieo trồng cây giống; 237,5 ha (4%) nuôi trồng thủy hải sản.
Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp đã giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại và 100 triệu người tiêu dùng trên cả nước, hàng tỷ người dùng trên thế giới. Nhờ đó, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới, có sự liên kết chuỗi giá trị.
Minh Anh