STNN - Sáng ngày 06/4/2023, Cục Quản lý đường bộ II, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), UBND xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên) đã tiến hành kiểm tra hiện trường công trình xây dựng dưới gầm cầu Trung Đô của CTCP Hùng Hưng.
Qua công tác kiểm tra ban đầu, đoàn kiểm tra xác định công trình CTCP Hùng Hưng xây dựng để làm nơi rửa cát sỏi nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, công ty đã xây dựng công trình kiên cố nằm trong hành lang an toàn đối với cầu đường. Ngoài ra, công ty còn sử dụng gầm cầu Trung Đô làm nơi tập kết các téc có kích cỡ lớn và thực hiện gia công cơ khí các loại téc bằng phương pháp như: hàn, xì, khò,... Đáng nói, đoàn đã nhận định hành vi này rất dễ gây ra cháy nổ. Công ty Hùng Hưng cần dừng công trình lại, di dời ngay ra khỏi gầm cầu; nếu không thực hiện, sẽ tiến hành cưỡng chế. Qua kiểm tra ban đầu, CTCP Hùng Hưng đã có nhiều vi phạm quy định pháp luật.
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã phân tích: “Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định tại khoản 6, Điều 10 nêu rõ: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác”.
Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.
Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định.
Trước đó, tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải cũng quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.
Riêng đối với hành vi xây dựng trong hành lang giao thông, chuyên gia này cũng nhận định: “Tại Điều 16 của Nghị định số 11/2010 của Chính phủ đã quy định về giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, cống. Cụ thể, hành lang an toàn đối với cầu trên đường ngoài đô thị, theo chiều dọc cầu tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên: 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên; 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét. Theo chiều ngang cầu tính từ mép ngoài cùng đất của đường bộ trở ra mỗi phía: 150 mét đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300 mét; 100 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét đến 300 mét; 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 20 mét đến dưới 60 mét; 20 mét đối với cầu có chiều dài nhỏ hơn 20 mét”.
Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng công trình trong hành lang an toàn đối với cầu đường của CTCP Hùng Hưng đã vi phạm các quy định an toàn giao thông, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc sử dụng gầm cầm làm nơi tập kết và thi công nhà xưởng cũng là một vi phạm nghiêm trọng đối với các quy định an toàn lao động và môi trường. Theo ý kiến chuyên gia, gầm cầu không đảm bảo được điều kiện an toàn cho nhân viên thi công, đồng thời cũng gây ô nhiễm môi trường vì tiếng ồn và khí thải, dễ gây ra cháy nổ nghiêm trọng,...
Nhóm PV