Đảm bảo đầu ra cho na Chi Lăng

STNN – Nhằm quảng bá, tuyên truyền và nâng cao giá trị sản phẩm na Chi Lăng, năm 2023, UBND huyện Chi Lăng sẽ phối hợp với nhiều đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động nhằm xúc tiến thương mại, tạo và nâng cao chất lượng đầu ra cho na Chi Lăng.

Quảng cảnh buổi họp báo.

Ngày 14/8, UBND huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) tổ chức họp báo Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Chi Lăng và Lễ hội chiến thắng Chi Lăng (10/10) – gắn với Đền Chi Lăng; mùa na Chi Lăng năm 2023.

Chương trình “Quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” sẽ được huyện Chi Lăng tổ chức vào ngày 19/8, tại chợ nông sản thị trấn Chi Lăng. Tuần lễ quảng bá quả na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2023 cũng sẽ diễn ta từ ngày 24/8 – 27/8/2023, tại Khu Hội chợ triển lãm, đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Trong đó, huyện Chi Lăng sẽ có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản của huyện.

Đây là các hoạt động nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm thông qua các chương trình phát động thi đua sản xuất sản phẩm an toàn, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong nhận thức của người nông dân sản xuất nông nghiệp. Đổi mới phương thức kết nối tiêu thụ nông, đặc sản và sản phẩm OCOP của địa phương.

Na Chi Lăng.

Bên cạnh các hoạt động quảng bá quả na và nông sản, UBND huyện Chi Lăng cũng tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc trong huyện và Lễ hội chiến thắng Chi Lăng, dự kiến khai mạc từ ngày 10/10 tới đây.

Theo thông tin từ UBND huyện Chi Lăng, na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.

Người dân thu hoạch na Chi Lăng.

Năm 2023, diện tích trồng na của huyện Chi Lăng ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha. Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: “Giá na dai năm nay, khi đã trực tiếp tham khảo ở các hộ dân, bán tại vườn là 30-35 nghìn/1kg; còn tại các hợp tác xã, sau khi thu mua lại sẽ đóng gói, phân loại ra, vào khoảng 65 nghìn/1kg. Giá như vậy là tương đối cao hơn so với năm trước. Hiện tại, huyện Chi Lăng rất mong quả na có thể xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, bởi hiện tại na chỉ được tiêu thụ chủ yếu trong nước”.

PV

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây