STNN - Mới đây, các nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã có những khảo sát, đánh giá sự hiện diện của parabens trong mạng lưới hải sản Việt Nam.
Khi cầm các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm hay thực phẩm lên tay và đọc tên của chúng, ít người quan tâm đến sự xuất hiện “khiêm tốn” của parabens (PBs) ở dòng cuối cùng bảng thành phần cấu tạo. Đó là một nhóm ester có nguồn gốc từ acid p-hydroxybenzoic, dùng để bảo quản do có khả năng kháng khuẩn và bảo quản. Trong những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài phát hiện ra sự tồn tại phổ biến của các chất parabens trong nhiều môi trường khác nhau, ví dụ như nước mặt, bụi trong nhà, trầm tích và vô số sinh vật như cá, động vật có vỏ và tảo. Đây là điều đáng chú ý bởi parabens từ lâu đã được coi là an toàn song một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ tiềm năng giữa các hóa chất với ung thư vú, qua đó làm dấy lên những lo ngại về sự độc hại của parabens. Thêm nữa, parabens có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp ti thể ở nhiều sinh vật, kích thích quá trình hoạt động của các tế bào nội tiết. Trong khi đó, con người hấp thụ parabens thông qua nhiều đường khác nhau, bao gồm ăn, hít thở, hấp thụ qua da… Hiện tại, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đã đưa ra các ngưỡng cho phép với parabens trong thực phẩm.
Do đó, nhóm nghiên cứu ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã khảo sát nồng độ của parabens trong năm loài cá xuất hiện phổ biến ở nhiều vùng thuộc Bắc, Trung, Nam là cá bạc má, cá bơn ngộ, cá chim trắng, cá chỉ vàng và cá hố. Các mẫu cá này được thu mua từ các chợ Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM và Tiền Giang. Sau khi thu thập mẫu và phân tích trong phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy sự tồn tại của nhiều dạng parabens khác nhau trong các mẫu cá methylparaben, ethylparaben, ethyl protocatechuate, và acid 4-hydroxybenzoic với những nồng độ khác nhau, trong đó cao nhất là methylparaben và ethylparaben. Đáng chú ý, methylparaben được tìm thấy trong số 98/114 mẫu, chiếm hơn 86% và nồng độ cao nhất của methylparaben là ở cá hố. Tuy nhiên, nồng độ của methylparaben trong các mẫu của các nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm vẫn thấp hơn nhiều so với nồng độ của nó trong những mẫu ở vịnh Manila (Philippines), Shenzhen (Trung Quốc), Florida (Mỹ)…
Bên cạnh đó, kết quả còn cho thấy có mối tương quan giữa một số parabens như methylparaben và 4-acid 4-hydroxybenzoic… cho thấy có nguồn chung giữa các chất này cũng như tiềm năng của một số vi sinh vật tham gia vào quá trình methyl hóa và khử methyl trong các hệ sinh thái dưới nước. Mặt khác, do nồng độ của các chất phái sinh 4-HB (được chuyển hóa từ parabens trong những điều kiện cụ thể) – trong nghiên cứu cao hơn nồng độ các chất parabens gốc nên rất có thể có sự tồn tại của một số nguồn khác môi trường xung quanh. Hơn nữa, methylparaben và ethylparaben được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, dẫn đến việc phát thải đáng kể các hợp chất của chúng vào môi trường và làm các sinh vật bị phơi nhiễm.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu tìm thấy có sự khác biệt về nồng độ parabens trong mẫu cá ở các vùng địa lý, trong đó mẫu cá ở miền Trung có nồng độ cao hơn miền Nam và miền Bắc. Điều này cũng có một số trùng khớp với hiện trạng nhiều địa danh biển nổi tiếng ở miền Trung thu hút đông đảo khách du lịch. Hành động bôi kem chống nắng của du khách cũng có tiềm năng phát thải các hợp chất chống tia cực tím và paraben và hệ sinh thái biển.
Tuy vậy, khi liên hệ nồng độ parabens trong các mẫu cá với chỉ số rủi ro cho sức khỏe (HI) thì các nhà nghiên cứu nhận thấy, nguy cơ với sức khỏe của chúng ở mức rất thấp.
Kết quả được công bố trong “Occurrence, biomagnification, and risk assessment of parabens and their metabolites in marine fish: The case study of Vietnam” (Sự xuất hiện, khuếch đại sinh học và đánh giá nguy cơ của parabens và các chất chuyển hóa của chúng trong cá biển: trường hợp của Việt Nam), xuất bản trên tạp chí Chemosphere.
Link bài viết tại đây.
Theo: Thanh Hương - TC Tia sáng