STNN - Vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch, các dòng họ ở xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại tổ chức những mâm cúng rằm rất trang trọng với những con gà cúng được người dân bỏ nhiều công sức để tạo các thế độc đáo khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi.
Như đã thành thông lệ, vào dịp Rằm tháng Bảy, một số dòng họ ở xã Thạch Châu, xã Bình Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại làm mâm cúng với những thế “gà bay”, “gà quỳ”. Các mâm cỗ được bày biện hết sức cầu kỳ, đẹp mắt để dâng cúng tổ tiên, thể hiện sự tôn kính tổ tiên, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, dần tạo nên một nét văn hóa đặc sắc. Tại các nhà thờ họ, hàng trăm con gà được con cháu trong dòng họ sắp đặt một cách ngay ngắn để làm lễ tiến tổ, những con gà được tạo hình trong các thế: như gà bay, gà quỳ, gà nằm…
Theo anh Khắc Thống, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh): “Để hoàn thành con gà bay trong mâm cúng ngày rằm phải mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, công đoạn đầu tiên là cắt tiết, làm sạch lông và lòng mề gà; công đoạn thứ hai là tạo thế cho gà; cuối cùng luộc gà bằng một chiếc nồi chuyên dụng. Để làm nên một con gà cúng đẹp dâng lên ông bà tổ tiên cần phải chọn được gà tốt, gà càng lớn càng đẹp nhưng khó làm. Chọn gà không quá non vì luộc sẽ dễ bị nứt mất thẩm mỹ. Thông thường người ta cắt tiết gà ở cổ, nhưng làm gà đứng thì chúng tôi phải cắt tiết ở lưỡi gà vì không để lại vết cắt gây mất thẩm mỹ. Thời gian luộc gà cũng phải căn chỉnh chính xác, không để nước luộc quá sôi, thời gian luộc lâu dễ làm gà bị nứt.
Bên cạnh đó, công đoạn chọn gà cúng cũng rất quan trọng, để có được con gà cúng đẹp, gà được tìm mua khắp các địa phương trong tỉnh, thậm chí phải đặt tận Nghệ An, Thanh Hóa trước cả tháng, gà già với trọng lượng khoảng 3 - 4 kg. Chọn mua gà không phải dễ, phải là người thông thạo để nhìn con gà còn sống là biết được khi tạo thế có đẹp hay không. Khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Sau khi làm sạch, gà được tạo thế bay, quỳ, đứng, ngồi… với sự hỗ trợ của dây thép, lạt giang. Ngoài ra, để tạo được thế gà bay đẹp, chúng tôi dùng 2 chiếc nẹp tre lớn để tạo dáng gà trước khi cho vào luộc; dùng 2 chiếc đinh cứng cố định, còn nẹp tre và dây buộc dùng để tạo thế gà theo ý muốn”, anh Thống chia sẻ thêm.
Được biết, công đoạn luộc gà cũng rất công phu. Phải dùng loại nồi chuyên dụng, kích thước lớn. Khi luộc phải căn chỉnh lửa, thời gian sao cho phù hợp để gà vừa chín mà không bị nứt. Muốn gà giữ được màu sắc tươi sáng, không bị thâm đen cũng phải biết cách ngâm gà qua nước muối pha loãng với tỷ lệ hợp lý.
Ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, cứ mỗi dịp lễ tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy các dòng họ lại tổ chức hội thi cỗ gà bay của các anh em trong họ và các dòng họ khác trong xã như một nét văn hoá đặc sắc không thể thiếu vào ngày rằm.
Hoàng Nghĩa