Trên thế giới, du lịch sinh thái (DLST) đã phát triển từ những 80 của thế kỷ 20. Tại Việt Nam, DLST là 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, bao gồm: DLST, du lịch biển đảo, du lịch đô thị và du lịch văn hóa. Dẫu đại dịch vẫn chưa chấm dứt, song đã có những tín hiệu tốt đáng hy vọng cho tương lai.
Lựa chọn lối đi an toàn
Gần hai năm qua, chúng ta đã gắng gỏi vượt qua những thử thách của đại dịch Covid-19. Ngành du lịch là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Nhưng đại dịch giúp chúng ta có dịp nhìn nhận lại mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là cách làm du lịch và cách đi du lịch trong đó du lịch sinh thái là một lựa chọn đáng lưu ý.
Trong thông điệp chia tay năm cũ và mừng năm mới 2022, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: Đến nay, thế giới đã nắm trong tay tất cả công cụ cũng như nguồn lực để chấm dứt đại dịch Covid-19 và nếu có lựa chọn đúng đắn, thế giới có thể khiến “thảm họa Covid-19” đảo chiều.
Đại dịch buộc chúng ta phải sắp xếp lại trật tự ưu tiên trong cuộc sống, và khi có thể du lịch trở lại, chúng ta sẽ không bỏ qua cơ hội để kết nối lại với bạn bè, gia đình, tìm kiếm những mối quan hệ mới, tìm đến những vùng đất mới, có những trải nghiệm mới, hay "chỉ đơn giản là được đi"!
Đón gió giong buồm vượt sóng ra khơi
Trong một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 8/2021 với hơn 24.000 du khách thuộc 31 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm dự đoán các xu hướng của hoạt động du lịch trong năm 2022 của booking.com cho thấy: có 84% người được hỏi cho biết họ sẽ nói "có" với mọi dịp được đi nghỉ nếu ngân sách cho phép, 74% du khách sẽ cởi mở hơn với các loại hình du lịch khác nhau, số người cảm thấy họ cần bù đắp cho những kỳ nghỉ bị lỡ mất đã tăng từ 52% lên 80%.
Có thể nói du lịch sinh thái ở Việt Nam xuất phát muộn hơn so với thế giới lại mới đi những chặng đường đầu tiên đã gặp phải những khó khăn. Song đại dịch Covid-19 đã góp phần nâng cao nhận thức của con người về bảo tồn thiên nhiên, gián tiếp thúc đẩy các loại hình du lịch bền vững trong đó có DLST. Đây có thể coi là một “chìa khóa” để DLST mở “cánh cửa cơ hội”.
Đại dịch Covid-19 khiến du khách muốn đi du lịch một cách bền vững hơn trong tương lai. Nhiều du khách tránh các điểm đến phổ biến, đông đúc để chủ động kiểm soát các rủi ro về sức khỏe và giàm bớt những nỗi lo lắng về dịch bệnh. Các điểm DLST trước đây chưa được khám phá nhiều thì nay sẽ là lựa chọn được ưu tiên. Các mô hình DLST như: tìm hiểu hệ sinh thái rừng nhiệt đới; tham quan hệ sinh thái núi đá vôi, hang động; du lịch hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ thống kênh rạch… có cơ hội để đón nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và tinh thần dân tộc rất cao trong bối cảnh Covid-19, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn thách thức lớn. Hai năm qua chúng ta đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm, có động lực mới, sức sống mới cho sự phát triển. Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời một loạt chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh Covid -19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khống chế dịch bệnh, khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong đó có ngành du lịch.
Ngày 03/01/2022, trong Công văn số 61/VPCP-KGVX gửi các Bộ VHTT&DL, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, GTVT, TT&TT và UBND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh nói trên và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao “tiếp tục chủ động, triển khai thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bảo đảm an toàn, hiệu quả”. Sự hỗ trợ của Chính phủ chính là nền tảng, cùng với đó thì sự hồi sinh của du lịch còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm của ngành. Tin rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ cộng với sự năng động vốn có, ngành du lịch sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt, nắm bắt thời cơ như cánh buồm đón gió vươn khơi.
Linh Nguyễn