Dương Kiện, “minh tinh” khởi nghiệp - khi hạt gạo được nâng cánh bởi công nghệ (kỳ 2)

STNN - Khác với kinh nghiệm khởi nghiệp lần trước, lần này Dương Kiện không vội tìm kiếm thử thách mới sau khi thành công. Anh đã lựa chọn cho mình một sứ mệnh lớn hơn. Trên con đường này, anh đã có một hướng đi mới.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Trung Quốc là một đất nước có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao, với số lượng bệnh nhân rất lớn, trong đó bao gồm cả người thân của Dương. Làm sao để bệnh nhân đái tháo đường không còn “nhìn cơm thở dài” mà có thể tự tin ăn uống? Dương đã dẫn dắt nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ một lần nữa.

Anh nhận thấy, trong quá trình xay xát gạo, người ta thường chỉ để lại hạt gạo trắng bóng đã được mài sạch vỏ trấu và cám; mầm gạo - bộ phận chứa rất nhiều chất bổ dưỡng cũng bị loại bỏ trong quá trình xay xát và đem dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, người mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát lượng đường trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Mầm gạo chính là một nguyên liệu dinh dưỡng hoàn chỉnh, có thể đóng vai trò tốt trong việc bổ sung dinh dưỡng.

Dương được biết rằng nhiều quốc gia đang sử dụng isomaltulose thay vì sucrose cho người mắc bệnh đái tháo đường. Isomaltulose là một sản phẩm tự nhiên có thể được điều chế từ sucrose thông qua công nghệ sinh học và là một loại “đường giải phóng bền vững”. “Đường giải phóng chậm là đường được tiêu hóa và hấp thụ chậm. Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể họ cần đường, nhưng họ không thể ăn đường. Đường giải phóng chậm không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể mà còn làm giảm sự nhanh chóng của lượng đường trong máu.”

Nhưng tìm ra chất thay thế cho sucrose là chưa đủ. Dương đã mời nhiều chuyên gia đến thảo luận và nghiên cứu tổ hợp “đường giải phóng chậm”, nhằm chiết xuất chất thay thế có khả năng ức chế tiêu hóa và hấp thu các loại đường. Cuối cùng, một “công thức carbohydrate giải phóng chậm” ra đời kết hợp isomaltulose, L-arabinose, glucomannan, protein ức chế alpha-amylase và các nguyên liệu thô khác.

Cơm tổng hợp, mì, cháo, bánh quy và các loại thực phẩm khác được làm trên cơ sở “công thức carbohydrate giải phóng bền vững” đã được bệnh nhân đái tháo đường ưa chuộng ngay sau khi sản phẩm được tung ra thị trường. Một tin rất vui cho bệnh nhân đái tháo đường là họ không còn phải nhịn ăn nữa.

Đối với anh, sự nghiệp kinh doanh đã bắt kịp mọi “cửa sổ” của Internet và thương mại điện tử, và giờ anh đang ở trên một “cửa sổ” lớn hơn. “Tôi tin rằng trong 10 năm tới, không gian và cơ hội lớn nhất cho sự phát triển của Trung Quốc sẽ là phục hồi nông thôn” - Dương nói – “Tôi sẽ tiếp tục ‘bám rễ’ vào nền nông nghiệp truyền thống. Tôi từ nông thôn bước ra và vẫn mang một tình cảm đối với ruộng đồng”.

Ngoài gạo, cơm tổng hợp, mì, cháo, bánh quy và các loại thực phẩm khác dành cho người mắc bệnh đái tháo đường, vào mùa xuân năm ngoái, những cây anh đào được nhóm nghiên cứu khoa học của Dương cải tiến và chăm bón trong 7 năm đã được thu hoạch và tung ra thị trường, chủ động được nguồn cung cấp anh đào vào mùa đông cho thị trường Trung Quốc (mặt hàng này trước đây họ phải nhập khẩu).

“Anh đào truyền thống trong nước thường được trồng trên đồng ruộng. Thời kỳ quả chín là vào mùa hè, nhưng thời điểm tốt nhất để bán anh đào là từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán” - Dương cho biết. Thực tiễn đã chứng minh rằng anh đào trồng trong chậu có thể cho có quả to, chất lượng tốt, giá trị đạt 1 triệu nhân dân tệ/mẫu.

Năm nay, Dương quảng bá công nghệ trồng anh đào trong chậu tại Tân Cương, Thanh Hải, Nội Mông, Hắc Long Giang và những nơi khác. Ở quê hương của anh, hàng trăm mẫu anh đào vườn và hàng ngàn mẫu giống cây anh đào được người nông dân chăm chút. Hàng chục hộ gia đình trồng anh đào sẽ có thể thu hoạch lứa quả đầu tiên trong dịp Tết năm sau.

Mời bạn theo dõi kỳ 1 tại đường link: https://sinhthainongnghiep.net.vn/duong-kien-minh-tinh-khoi-nghiep-khi-hat-gao-duoc-nang-canh-boi-cong-nghe-ky-1/

Lê Thúy (TH)