Thời điểm hiện tại, giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo, nên với người chăn nuôi, phía trước vẫn là thách thức.
Để sản ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, ngành Nông nghiệp khuyến cáo, nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để hạn chế rủi ro trong mọi tình huống.
Giá tăng nhưng chi phí cũng tăng
Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Trọng Long, trong những ngày vừa qua, giá lợn hơi có chiều hướng tăng nhẹ, thời điểm hiện tại dao động trong khoảng 55.000-56.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Lượng sản phẩm tiêu thụ cũng khá ổn định, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp ra thị trường 80-100 tấn.
Còn theo Chủ tịch Hội chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) Nguyễn Văn Đông, giá gà ta thả vườn thời điểm hiện tại đã lên tới 92.000 đồng/kg, tăng 5.000-6.000 đồng/kg so với các tháng trước.
Thông tin về thị trường lương thực, thực phẩm những ngày vừa qua, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản nhận định, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng nhẹ trong thời gian vừa qua do nhu cầu sử dụng thực phẩm tại các bếp ăn trường học, khu công nghiệp đang phục hồi trở lại, nhưng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đang tạo ra nhiều thách thức.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An thông tin, chi phí “đầu vào” tăng cao như giá thức ăn chăn nuôi tăng 25%, xăng dầu tăng 40%..., do đó, giá thu mua gia súc, gia cầm tại trang trại cũng tăng theo. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, công ty chấp nhận giảm lợi nhuận, giữ ổn định giá bán trên thị trường.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tống Xuân Chinh, giá sản phẩm gia súc, gia cầm tăng nhưng chưa ổn định bởi nhiều nguyên nhân. Tại thị trường nội địa, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tiêu thụ dạng tươi sống, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến giá thành sản xuất cao, hạn chế khả năng cạnh tranh…
Liên kết chuỗi để ổn định sản xuất
Để thúc đẩy sản xuất và ổn định “đầu ra” cho sản phẩm trong bối cảnh chi phí “đầu vào” tăng cao, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp có chung nhận định, ngành chăn nuôi cần tăng cường năng lực chế biến, bảo quản sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ðặc biệt, các hộ chăn nuôi cần liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, chế biến quy mô lớn, qua đó hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) Nguyễn Thị Diễm Hằng, Nutri Mart đã có hơn 1.000 điểm bán hàng và dự kiến sẽ mở 500 điểm bán hàng tại Trung Quốc nên rất cần liên kết với các trang trại trong nước để có nguồn thịt tươi, thịt đông lạnh và cả các sản phẩm thịt chế biến. Tuy nhiên, sản phẩm của các hộ chăn nuôi phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Để ổn định nguồn cung sản phẩm gia súc, gia cầm trong mọi tình huống, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với việc phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, Hà Nội sẽ cơ cấu lại phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc duy trì và phát triển 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Mặt khác, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với trang trại chăn nuôi trong việc xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm...
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cũng như chuyển giao kỹ thuật để người chăn nuôi có thể sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại thức ăn cho đàn vật nuôi; đồng thời, tận dụng nguồn nguyên, phụ liệu sẵn có tại địa phương để phối trộn làm thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó là khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để phát triển ổn định, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, các tỉnh, thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là triển khai các giải pháp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Mặt khác, cùng với việc phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức hữu cơ, tập trung vào nhóm vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, các địa phương cần kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thực phẩm nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; đồng thời, kiểm tra, xử lý các hoạt động xuất, nhập khẩu con giống và các sản phẩm chăn nuôi trái phép, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường.
Theo Báo Hà Nội mới