Giữ uy tín cho nông sản Việt

Hiện nông sản của Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những vi phạm về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của doanh nghiệp cũng như nông sản Việt Nam. Do vậy, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp sản xuất sạch, an toàn là hết sức cần thiết.

nông sản Việt
Thu hoạch dưa lưới tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Xử lý nhiều vi phạm

Để kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) và các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm theo quy định. Tháng 11-2021, lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện một xe hàng vận chuyển 54 thùng tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất agar (là một sản phẩm chiết xuất từ tảo đỏ) với tổng trọng lượng là 1.378kg để bán cho một số công ty trên địa bàn. Hay tại tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý vụ việc hơn 650kg thịt sườn lợn không có xuất xứ, nguồn gốc, đã bốc mùi đang được đưa đi tiêu thụ…

“Năm 2021, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp đã thanh tra, kiểm tra 38.408 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 3.758 cơ sở (tăng 7,1% so với năm 2020), với số tiền phạt 35,8 tỷ đồng (tăng 31,1 tỷ đồng). Các tỉnh, thành phố tổ chức lấy 33.359 mẫu nông sản để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, kết quả có 1.402 mẫu vi phạm, chiếm 4,2%. Cơ quan chức năng đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, năm 2021, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, phát hiện 48 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm; tiêu hủy 724kg sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nhận định tình hình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số tỉnh, thành phố chưa kịp thời. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản chủ yếu nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, không ít cơ sở kinh doanh không nắm rõ các quy định hiện hành về lĩnh vực này…

Phải đồng bộ trong quản lý, giám sát

Kiểm tra, xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là trên thị trường quốc tế. Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) Nguyễn Tiến Hưng đề xuất, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất an toàn tập trung quy mô lớn nhằm chủ động nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất ghi chép nhật ký chăm sóc để có thể truy xuất nguồn gốc khi xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm.

Còn theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, các tỉnh, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ các loại vật tư nông nghiệp trên thị trường để giám sát chất lượng nguyên liệu “đầu vào” phục vụ sản xuất. Với những vùng đã được Bộ NN&PTNT quy hoạch sản xuất an toàn, các địa phương tăng cường kiểm tra mẫu đất, mẫu nước và tuyên truyền để nông dân tuân thủ các điều kiện sản xuất an toàn.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn và cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Cùng với đó là tăng cường lấy mẫu giám sát, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng, phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để vi phạm…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến, để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, việc giám sát, quản lý phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, người sản xuất, chế biến, kinh doanh cần chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng. Mặt khác, các địa phương tiếp tục đổi mới phương pháp thanh tra; xây dựng kế hoạch cho từng cuộc thanh tra, biện pháp tổ chức thực hiện…; đồng thời tăng cường thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm.

“Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng cao, các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho thị trường. Qua đó nâng cao vị thế, thương hiệu, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế”, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu.

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây