Sản xuất hữu cơ đang là hướng phát triển của nhiều quốc gia để đi tới một nền nông nghiệp bền vững. Cùng chung xu hướng đó, những năm qua, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã hình thành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dù ngành Nông nghiệp Thủ đô, các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đã kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, nhưng vẫn còn những “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Nhận diện những điểm nghẽn
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội có nguồn lực tự nhiên cũng như trình độ sản xuất phù hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên quy mô sản xuất vẫn hạn chế. Đến nay, diện tích trồng trọt hữu cơ của thành phố vào khoảng 2.000ha; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 10,1ha… Trong lĩnh vực chăn nuôi chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa; một số hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ với tổng đàn hơn 14.000 con (lợn, gà, bò...). Một thực tế khác là, một số dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt hiệu quả không như mong đợi.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lệ Chi (huyện Gia Lâm) Trần Văn Trọng cho biết: "Chúng tôi đang chuyển một phần diện tích từ sản xuất VietGAP sang hữu cơ và thực sự lúng túng với nhiều quy định khắt khe về tiêu chuẩn, như yêu cầu phải có vùng đệm sinh thái xung quanh...".
Ông Trần Văn Hùng, xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) cũng chia sẻ sự băn khoăn: “Gia đình tôi có 2 mẫu trồng bưởi và ổi kết hợp chăn nuôi lợn và bò. Chúng tôi đang loay hoay giải quyết vấn đề làm thế nào để vừa sản xuất hữu cơ, vừa phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi ở quy mô nông hộ; lựa chọn thương hiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ nào trên thị trường…”.
Khó khăn ở quy mô sản xuất hữu cơ nông hộ đã rõ, nhưng với doanh nghiệp lớn cũng không đơn giản. Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và đầu tư Việt Liên (quận Long Biên) Nguyễn Thanh Phương cho hay: “Công ty bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ năm 2008 - thời điểm đó được coi là "cá bơi ngược dòng" và phải mất 10 năm xây dựng nông trại (diện tích 2ha) đến năm 2018 mới được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ (TCVN 11041) cũng như định hình được sản phẩm trên thị trường. Nếu không có kế hoạch phát triển và nguồn lực tài chính thì các trang trại rất khó theo đuổi sản xuất hữu cơ”.
Đồng quan điểm, chủ trang trại hữu cơ Hoa Viên (huyện Thạch Thất) Trương Kim Hoa thông tin, sản xuất theo hướng hữu cơ tối thiểu từ 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch; chi phí đầu tư cao hơn sản xuất đại trà... nhưng nếu chưa có thương hiệu, nông sản hữu cơ chỉ có thể bán được với giá "bình dân".
Ở góc độ quản lý nhà nước, theo Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Hà Nội) Mai Minh Hương, mô hình nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương khó nhân rộng bởi nhiều lý do, trong đó có sự thiếu kiên trì của bà con nông dân. Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất là xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Để giải quyết những vướng mắc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho rằng, đối với các trang trại nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn thì địa phương và thành phố cần tạo điều kiện về đất đai cũng như quản lý quy hoạch, không để tình trạng một doanh nghiệp đang sản xuất hữu cơ lại bị ảnh hưởng bởi một dự án khác không bảo đảm các yếu tố môi trường. Còn đối với nông hộ, cần lồng ghép nhiều chương trình theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", chuyển dần từ sản xuất VietGAP sang hữu cơ khi đủ điều kiện.
Trước những khó khăn từ thực tế, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, từ nguồn ngân sách thông qua Quỹ Khuyến nông thành phố, hằng năm, Trung tâm giải ngân 50 tỷ đồng cho các chủ trang trại, hợp tác xã vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các hộ nông dân tham gia mô hình khuyến nông về sản xuất hữu cơ được hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận và đào tạo, tập huấn sản xuất; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vật tư thiết yếu thực hiện mô hình...
Nói về định hướng sản xuất, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300-500ha cây trồng theo hướng hữu cơ; chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ khoảng 70ha và đến năm 2025 tỷ lệ sản phẩm hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội sẽ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu...
Hà Nội xác định xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn không phải là câu chuyện "ngày một ngày hai" nhưng với những giải pháp cụ thể, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ có bước phát triển trong thời gian tới.
Theo Báo Hà Nội mới