STNN - Ở phía Đông Nam New Zealand, có một thị trấn du lịch nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Đặc biệt, thị trấn nhỏ này được mệnh danh là “thủ đô kiwi của thế giới”: Te Puke.
Một hành trình từ phương Đông
Rất nhiều người khi nhắc đến trái kiwi chất lượng cao, đẳng cấp thế giới là nghĩ đến kiwi New Zealand đầu tiên. Người dân thị trấn Te Puke cũng tự nhận vùng đất xinh đẹp này là “Thủ đô kiwi của thế giới”, nhưng trái kiwi New Zealand lại được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, với tên gọi là quả sổ! Trái kiwi đã tới New Zealand từ khu vực trung và thượng lưu sông Trường Giang ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc miền Trung Trung Quốc. Điều này được ghi chép trong “Kinh Thi” và “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân.
Năm 1903, bà Fraser - hiệu trưởng của trường nữ sinh ở New Zealand đến Nghi Xương và phát hiện ra loại trái cây chua ngọt ngon miệng được bán ở chợ. Bà cực kỳ thích hương vị của loại quả này do đó đã thu thập hạt giống. Năm 1904, bà mang hạt giống trở về New Zealand.
Fraser sống ở Đảo Bắc New Zealand. Bà đem số hạt giống mang về tặng cho các bạn. Cuối cùng, một phần hạt giống đến tay nhà lai tạo giống Allison. Năm 1910, loài trái ngon này đã kết trái thành công.
Trong những thập niên tiếp theo, qua nhiều lần thí nghiệm của các chuyên gia nông nghiệp New Zealand, công nghệ trồng quả này dần phát triển, một cơ sở trồng trọt quy mô lớn xuất hiện ở Te Puke của vịnh Plenty, nhưng tên gọi khi đó vẫn là “quả lý gai chua Trung Quốc" (Chinese gooseberry)!
Năm 1952, New Zealand với tư cách là một quốc gia khối thịnh vượng chung và là một quốc gia nông nghiệp lớn, lần đầu tiên xuất khẩu loại trái ngon này sang Anh và Australia.
Năm 1959, khi thị trường quốc tế của “quả lý gai” không ngừng mở rộng, để tránh ý nghĩ rằng “quả lí gai Trung Quốc” chua ngọt này chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, New Zealand chọn tên “kiwi” – loài chim được mệnh danh là biểu tượng, là linh vật của đất nước New Zealand để đặt tên cho trái cây này và tên gọi “kiwi New Zealand” ra đời.
Trong suốt quá trình “bén rễ” của quả kiwi tại New Zealand, Te Puke là vùng sản xuất chính bởi khí hậu phù hợp, đất đai màu mỡ, giao thông thuận tiện. Theo thống kê, có tới hơn 70% diện tích đất trồng kiwi của New Zealand đều ở khu vực này, đây cũng là lí do Te Puke tự gọi mình là “thủ đô Kiwi của thế giới”
Xây dựng thương hiệu khu vực, trở thành thị trấn du lịch nổi tiếng
- Phát triển hòa hợp “1+2+3”
1 - Nông nghiệp: Te Puke áp dụng các công nghệ tiên tiến và quy trình khoa học để nhân giống, trồng, thu hoạch, bảo quản kiwi. Các hộ nông dân hợp tác cùng nhau, họ theo dõi quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ.
2 - Công nghiệp: Kiwi sau khi được thu hoạch, ngoài việc cung cấp quả tươi ra thị trường sẽ được chế biến sâu, tạo nên những sản phẩm đa dạng với hương vị phong phú, hấp dẫn, như: mứt, kem, mỹ phẩm chăm sóc da, đồ ăn nhẹ. Những món đồ lưu niệm hay trang phục với chủ đề kiwi cũng được ưa chuộng.
3 - Dịch vụ: Thị trấn Te Puke chia vùng trồng kiwi thành nhiều vùng trồng nhỏ được chắn gió, như vậy không chỉ có lợi cho việc trồng trọt, chăm sóc cây, thu hoạch, mà còn làm nên cảnh quan tuyệt đẹp thay đổi theo mùa. Đồng thời, thị trấn nhỏ Te Puke cũng sử dụng phương pháp trồng trọt hữu cơ, chế biến trái kiwi theo hướng thuận tự nhiên, tốt cho sức khỏe; tổ chức các chuyến tham quan, học tập, các hành trình trải nghiệm liên quan đến vùng trồng.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu giải trí phong phú của khách du lịch, thị trấn Te Puke còn có khu để du khách quan sát các loài động vật trong thiên nhiên hoang dã, tổ chức workshop để khách du lịch tự tay làm mứt kiwi; có sân golf, các cung đường để du khách trải nghiệm đi bộ đường dài, trải nghiệm chăm sóc sức khỏe,… Từ đó Te Puke trở thành một thị trấn đặc trưng với ngành công nghiệp lấy trái kiwi là cốt lõi, đồng thời có một “vành đai công nghiệp giải trí” hoàn chỉnh xung quanh.
- Nêu bật vai trò “Cộng đồng + Phong tục tập quán”
Văn hóa Maori ở New Zealand là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, nó được thể hiện ở ngôn ngữ, ẩm thực đến phong tục tập quán. Trong đó, Te Puke là nơi mà khách du lịch cảm nhận được rõ nét phong tục tập quán, văn hóa và lịch sử truyền thống mạnh mẽ của người Maori.
Ngoài những phong tục truyền thống của người địa phương khiến du khách ngạc nhiên và thú vị như chào chạm mũi, xăm trên mặt, du khách còn được xem biểu diễn nghệ thuật (hay còn được gọi là kapa haka), kết hợp ca-hát hài hòa, nhảy-múa nhịp nhàng. Người Maori giỏi các nghề thủ công như chạm khắc gỗ, điêu khắc đá, nên tại The Historic Village, khách du lịch có thể chiêm ngưỡng hoặc mua những đồ thủ công mĩ nghệ độc đáo.
Ngoài ra, các quán cà phê ở thị trấn Te Puke phục vụ cà phê rất ngon. Đây là các quán hoạt động phi lợi nhuận bởi toàn bộ thu nhập đều sẽ được dùng để đầu tư cho người dân địa phương. Tinh thần cộng đồng ở nơi đây được đánh giá cao!
- Đổi mới hình thức hoạt động “Lễ hội + Trải nghiệm”
Vào tháng 9 hằng năm, tại Te Puke đều sẽ tổ chức lễ hội kiwi Te Puke. Ngoài triển lãm trưng bày kiwi xanh, kiwi vàng và các sản phẩm phong phú liên quan đến kiwi còn có các cuộc thi nhỏ để du khách bình chọn ra “nữ hoàng kiwi”. Đương nhiên, các điệu múa dân gian, các bài dân ca là không thể thiếu.
Ngoài lễ hội kiwi Te Puke, hằng năm, thị trấn Te Puke còn tổ chức hoạt động cộng đồng đa văn hóa hợp nhất – Te Puke World Fest. Các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia sẽ biểu diễn những loại hình nghệ thuật đặc trưng của quốc gia mình trên cùng sân khấu. Các tổ chức cộng đồng, trường học cũng chuẩn bị nhiều màn biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang bản sắc riêng. Các gian hàng ẩm thực đến từ nhiều quốc gia trên thế giới cũng có mặt trong lễ hội này, phục vụ khách nhiều món ăn đặc sắc.
Te Puke không chỉ tổ chức hoạt động trong thị trấn mà còn kết hợp với những khu vực xung quanh: Kiwi Te Puke kết hợp với cuộc diễu hành xe hoa Giáng sinh truyền thống, tạo ra xe hoa Giáng sinh chủ đề trái kiwi, nhận được nhiều lời khen; Te Puke và Tauranga kết hợp tổ chức “Kiwi Festival BOP”, đưa các du khách đi vui chơi khám phá những thắng cảnh đặc sắc của vùng vịnh Plenty bằng tàu hơi nước, ăn thử những món ngon địa phương…
Trà My