STNN - Trong những năm gần đây, phát triển nông nghiệp sạch, tạo ra nông sản an toàn, chất lượng… không chỉ là xu hướng mà còn là “tiêu chí cốt lõi” được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay. Mô hình trồng rau thủy canh sử dụng công nghệ cao tại HTX nông nghiệp Thủy Tân (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) bước đầu đã gặt hái được những kết quả nhất định và được thị trường đón nhận bởi niềm tin vào độ an toàn cũng như chất lượng.
Đang chọn mua một số loại rau quả, như: xà lách, cà chua, dưa leo… tại vườn rau thủy canh của HTX nông nghiệp Thủy Tân, chị Ngô Thị Vân ở phường Thủy Phương chia sẻ: “Nhu cầu mua rau sạch của các bà nội trợ cho bếp ăn gia đình ngày càng trở nên thiết yếu và được quan tâm hàng đầu, nhưng giữa thị trường rau xanh đa dạng như hiện nay thì việc chọn đúng loại rau quả sạch, an toàn là điều không phải ai cũng biết bởi rất khó để phân biệt được rau sạch hay không bằng mắt thường. Do đó, khi nghe bạn bè giới thiệu tại Thủy Tân có trồng rau sạch theo hướng thủy canh, tôi liền tìm tới mua về dùng cho cả gia đình”.
Thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Để thực hiện phương pháp này, HTX nông nghiệp Thủy Tân đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau trong nhà kính quy mô 1.000m2, với hệ thống tưới, châm phân, quạt thông gió điều hòa không khí... bằng hệ thống tự động điều khiển qua mạng wife. Mô hình được đầu tư gần 900 triệu đồng, trong đó, thị xã Hương Thủy hỗ trợ 575 triệu đồng, HTX Thủy Tân đối ứng vật chất và công lao động hơn 300 triệu đồng. “Đây là một mô hình nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Thủy Lê Bá Lam cho biết.
Ngoài ưu điểm hạn chế tối đa các mầm bệnh và sinh vật gây hại, việc trồng rau theo hệ thống thủy canh còn cho năng suất vượt trội từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, mô hình này đã được các ngành chuyên môn đánh giá cao. “Canh tác trong nhà kính hạn chế những bất lợi từ thời tiết và sâu bệnh nhờ chủ động được độ ẩm trong đất, đồng thời hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, những hóa chất không cần thiết, từ đó cho ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tới đây, HTX sẽ nhân rộng mô hình, chuyển giao về từng hộ gia đình”, ông Nguyễn Quang Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Thủy Tân cho hay.
Theo ông Ngô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, ngoài hỗ trợ mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho rau thủy canh của HXT nông nghiệp Thủy Tân, hiện, thị xã Hương Thủy đang triển khai mô hình này đến các xã, phường khác trên địa bàn, qua đó, giúp người nông dân chủ động trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu chất lượng nông sản ngày càng cao của thị trường và tăng thu nhập.
Có thể khẳng định, mô hình rau thủy canh ở HTX nông nghiệp Thủy Tân cho thấy hiệu quả trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, bởi không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị sản xuất mà còn làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Thanh Đoàn