Hòa Bình cần triển khai tái canh cây có múi, phục hồi đất và thâm canh

Tại buổi kiểm tra tình hình sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ngày 5/11, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu tỉnh Hòa Bình cần triển khai tái canh cây có múi, phục hồi đất và thâm canh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác đi thực địa tại Hòa Bình.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị thời gian tới, tỉnh tập trung 3 nhiệm vụ: Tái canh cây có múi, phục hồi đất và thâm canh. Trong đó, phải làm tốt khâu giống, xác định giống có chất lượng tốt, sạch, khỏe; thực hiện xét nghiệm, xử lý, cải tạo, phục hồi đất; bảo đảm quy trình thâm canh bền vững; quan tâm nâng cao hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm nông sản, xây dựng liên kết tổ hợp tác.

Thứ trưởng đề nghị các vụ, viện hỗ trợ quy trình canh tác, ưu tiên kinh phí tỉnh Hòa Bình xây dựng, quản lý cây đầu dòng theo tiêu chuẩn; hỗ trợ khuyến nông của tỉnh, xây dựng vườn mẫu đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để phục vụ người nông dân học tập kinh nghiệm thực tế. Đề nghị tỉnh Hòa Bình dành nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình phát triển cây, con giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.

Trong chương trình làm việc, đoàn cũng đã đi khảo sát thực tế tại huyện Cao Phong và cơ sở hạ tầng sản xuất giống cây trồng do dự án WB7 đầu tư tại phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình.

Theo báo cáo của nghình nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, những năm gần đây, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Năm 2021, diện tích toàn tỉnh là 10.840 ha, trong đó gần 8.000 ha kinh doanh, sản lượng dự kiến 155 nghìn tấn. Thu nhập bình quân đạt 300-350 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất được chuyên canh rõ nét theo từng vùng, nhóm sản phẩm như: Vùng cam, quýt tập trung chủ yếu tại huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng bưởi tập trung tại huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn. Sản phẩm cây ăn quả có múi được xác định là sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía bắc.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ… với 38 cơ sở được chứng nhận, chiếm khoảng 19,2% tổng diện tích cây có múi của tỉnh. Đã xác nhận sở hữu trí tuệ Chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong, Nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cam, bưởi Mường Động (Kim Bôi). Công nhận 19 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cho sản phẩm hoa quả tươi, sản phẩm chế biến từ quả có múi.

Giai đoạn 2015-2020, ngân sách tỉnh và huyện đã hỗ trợ 39,5 tỷ đồng cho chính sách phát triển vùng trồng tập trung theo quy hoạch (20 triệu/ha; 1.500 đồng/tấn/km vận chuyển ra ngoài tỉnh). Kênh tiêu thụ ngày càng đa dạng: qua hợp đồng giữa các công ty, hợp tác xã, trang trại với các doanh nghiệp; qua hệ thống thương lái hợp tác với nhà vườn; qua kênh bán lẻ trực tiếp; tiêu thụ qua các điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, hội chợ.

Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào bảo quản, sơ chế, chế biến vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính thử nghiệm; một số diện tích sử dụng giống chưa bảo đảm chất lượng; đã xảy ra tình trạng dư thừa, giảm giá sâu trong thời điểm chính vụ; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa phát triển đồng bộ với việc mở rộng quy mô diện tích sản xuất…

Trước tình hình trên, tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển cây ăn quả có múi trên cơ sở quy hoạch cây ăn quả trên phạm vi cả nước; có khảo nghiệm giống mới cho vùng có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới như vùng tỉnh Hòa Bình; hỗ trợ, bố trí vốn để triển khai một số dự án ưu tiên của tỉnh về sản xuất cây ăn quả có múi …

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây