STNN – Lễ hội đua bò ở vùng Bảy Núi (Thất Sơn) tại An Giang là một trong những lễ hội được tổ chức hằng năm vào dịp lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của dân tộc Khmer Nam Bộ, diễn ra khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch hàng năm.

Bảy Núi là “linh huyệt”, nơi kết đọng linh khí của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với địa hình đồi núi xen kẽ và các cánh đồng nhỏ nên hoạt động lao động sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây chủ yếu sử dụng bò thay vì trâu.

Lễ hội đua bò được xuất phát từ tinh thần yêu lao động và văn hoá của người Khmer. Từ xa xưa, người Khmer An Giang sống theo phum sóc, và đều làm ruộng. Sau những giờ lao động vất vả, những người nông dân rủ nhau đua bò để tạo không khí vui vẻ và thêm hăng say lao động. Về sau, hội đua bò trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống trong lễ hội Cúng ông bà đặc thù của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi.

Từ hàng trăm năm trước, đã có hội đua bò với hai hình thức: đua xe bò trên vùng đất khô, thường là đường làng và đua bò bừa dưới ruộng xâm xấp nước.

Trước đây, xe bò dùng để đua là loại xe nhỏ, có hoa văn đẹp – loại xe chuyên dùng chở các gia đình giàu có hoặc trung lưu. Càng về sau, khi các loại xe cộ trở nên phổ biến thì loại xe này ngày càng khan hiếm, dẫn tới hình thức đua xe bò cũng không còn mà chỉ còn tồn tại hình thức đua bò bừa.

Những năm gần đây, hội đua bò Bảy Núi có sự tham gia của khoảng 60 – 70 đôi bò đua và hội đua bò thu hút khoảng 50.000 khán giả đủ mọi tầng lớp từ các địa phương lân cận tới xem, cổ vũ. Đặc biệt, gần đây Lễ hội đua bò vùng Bảy Núi có sự góp mặt của các đôi bò ở các tỉnh thuộc Campuchia.

Sau 2 năm dịch Covid-19, các hoạt động xã hội bị đóng băng; năm nay, sự trở lại của Lễ hội đua bò đã thu hút 56 đôi bò tham gia tranh tài đến từ các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành (An Giang), và huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang.

Bò đua theo truyền thống địa phương Bảy Núi phải là bò đực và thuộc các giống bò cỏ (bò ta hay bò sóc) có màu vàng nhạt, thân hình thon gọn và cơ săn chắc, thích nghi cao với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Theo các tay đua bò có kinh nghiệm ở Bảy Núi, để đua bò, phải chọn những con có thể hình cân đối và cao ráo.

Bò đua có chế độ dinh dưỡng khác với bò thường. Ngoài việc cho ăn cỏ tươi ra, giai đoạn gần ngày đua, bò còn được bồi dưỡng bằng nhiều thức ăn bổ dưỡng khác, như: nước dừa tươi, trứng gà sống, ăn cháo loãng vào buổi tối, được bổ sung vitamin. Mỗi người lại có “bí quyết” riêng chăm sóc đôi bò của mình sẵn sàng cho ngày tham dự lễ hội.

Trước khi đua vài tuần, bò được cho ăn kiêng, được rèn khả năng chịu đựng và thích nghi với lịch đua bằng cách cho nhịn bữa sáng và bữa trưa, chỉ cho ăn mỗi ngày một lần vào buổi chiều tối.

Trước khi đua vài ngày, bò được cho ăn các loại rau có tính mát để kháng viêm do trong quá trình tham gia cuộc đua, bò bị “nài” điều khiển, đâm bằng cây xà-lul (là roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3cm, khúc gỗ tròn vừa tay độ. Thường thì người ta sẽ cho bò đua ăn cỏ mần trầu, cây cát lồi, cỏ mật (cỏ ngọt)… Đặc biệt, vào ngày đua, lúc sáng sớm bò được cho uống một ít cháo loãng và trứng gà cùng nước dừa tươi chứ không ăn cỏ để cho nhẹ bụng.

Khởi đầu, hội đua bò chỉ ở quy mô nhỏ trong từng phum sóc nên “luật chơi” rất đơn giản, nhìn chung không có quy định nghiêm ngặt về đường đua. Càng về sau “luật chơi” càng chặt chẽ hơn. Từ năm 1992, khi chính quyền địa phương đứng ra tổ chức giải, thì cuộc đua phát triển quy mô rộng lớn hơn, do đó điều lệ cuộc đua cũng được quy định nghiêm ngặt nhằm tạo thuận lợi cho công tác tổ chức, tránh tiêu cực và đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của mỗi cặp bò và người điều khiển.

Một cuộc đua gồm có vòng “hô” và vòng “thả”:

Vòng “hô”, là vòng khởi động và trình diễn, nên hai đội thường chạy chậm để thăm dò ý tứ nhau. Trong vòng “hô”, đôi bò sau được quyền vượt mặt đôi bò trước nhưng không được lọt ra khỏi đường đua. Đồng thời đôi bò sau không được đạp lên bừa của đôi bò trước, ngược lại đôi bò trước không được cố tình ngừng lại để ép đôi bò sau đạp lên bừa của mình. Nếu đôi bò nào vi phạm coi như thua cuộc.

Vòng “thả”, là vòng tranh chấp quyết liệt, và gay cấn, được đánh dấu từ cờ vàng cho đến đích, dài 120m, và chính thức bằng cờ màu xanh (hai cờ này nằm trước sau và cách nhau 20m), kết thúc bằng hai cờ có ô vuông màu đen – trắng nằm trước sau và cách nhau 4m.

Đường đua gồm nhiều đoạn với những điều lệ hoàn toàn khác nhau, buộc các “tài xế” phải kịp thời thay đổi chiến thuật và hóa giải chiến thuật của đối phương.

Trong quan niệm của người Khmer, đôi bò thắng giải mang đến cho cả phum sóc nhiều niềm vui, may mắn để có một vụ mùa bội thu. Sau khi thắng cuộc, người Khmer không giết, cũng không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của vùng.

Dù đua bò kéo xe như ngày xưa hay bò kéo bừa như hiện nay thì cách thức tiến hành cuộc đua đều mang tính mô phỏng hoạt động sản xuất nông nghiệp thường ngày của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Do con bò gắn liền với đời sống nông nghiệp của cư dân địa phương nên hội đua bò có thể xem như lễ hội nhằm cầu mong cho gia súc mạnh khỏe, mùa màng thuận lợi, đời sống ấm no.

Đặc biệt, hội đua bò Bảy Núi diễn ra vào thời điểm mùa mưa bắt đầu nặng hạt, giai đoạn thời tiết không thuận lợi khiến bò dễ bị bệnh, nên hội đua này còn mang ý nghĩa như là cách tạo ra một “thời điểm mạnh” để bò vượt qua bệnh tật. Vì thế, hội đua này còn với mục đích để vật nuôi thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây