Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu
Huyện Đắk R'lấp có lợi thế trong việc tạo ra các quỹ đất sạch để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu, là điều kiện thuận lợi để kêu gọi các dự án đầu tư, trong phát triển chế biến nông sản theo hướng xuất khẩu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, nhân dân trên địa bàn huyện đã tập trung đầu tư các giống mới, trang thiết bị phục vụ sản xuất để hướng tới cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp như: đầu tư hệ thống nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới tự động; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất nông nghiệp (quy trình sản xuất hữu cơ, VietGap..), xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản nhằm tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng; đồng thời phát triển mạnh các cơ sở chế biến nông sản đã nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Thị Kiều Linh chia sẻ, điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp của Đắk R'lấp là một số nông sản được cấp mã số vùng trồng đảm bảo truy xuất nguồn gốc đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Việc đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác đem lại thu nhập cao hơn trên một đơn vị diện tích. Một số nông sản được sản xuất theo hướng VietGAP hướng tới nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cơ cấu các loại cây trồng đã thay đổi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương và theo xu hướng hội nhập của thế giới. Tiêu biểu như cà phê (với diện tích hơn 21 nghìn ha, diện tích cho sản lượng là 19.315 ha) hầu hết đã được người dân tái canh, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 2,97 tấn/ha. Ngoài ra, các loại cây trồng chủ lực của huyện như cao su, tiêu được nông dân duy trì chăm sóc và cho năng suất ổn định.
Diện tích cây sầu riêng có xu hướng tăng, hiện có 2.260 ha. Nhiều diện tích sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng trọt và mã cơ sở đóng gói đã giúp nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trên địa bàn huyện có 15 mã vùng trồng trọt và 4 mã cơ sở đóng gói đối với sầu riêng và chanh leo.
Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ Phạm Văn Hải cho biết, xã chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đã có một số mô hình phát huy hiệu quả, nhất là sầu riêng cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác ở địa phương. Anh Nguyễn Tấn Linh, xã Nhân Cơ trồng sầu riêng được 8 năm, với diện tích 21 ha. Trồng sầu riêng chẳng khác nuôi con nhỏ, đòi hỏi tưới vừa đủ nước, chăm sóc tỉ mẩn mới tránh được sâu bệnh, đặc biệt khó ở khâu ra bông làm trái. Anh Linh đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, thuê hàng chục nhân công chăm bón, ứng dụng khoa học kỹ thuật, trừ hết chi phí mỗi năm cho thu nhập khoảng 18 tỉ đồng.
Các khâu trong sản xuất nông nghiệp như áp dụng tưới tiên tiến, nhỏ giọt, nhà màng, nhà kính đã được người dân chú trọng áp dụng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng. Toàn huyện có hơn 8.800 ha áp dụng tưới tiên tiến, nhỏ giọt và 8,7 ha diện tích nhà kính, nhà màng được áp dụng vào sản xuất rau, củ, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là mô hình dâu tây thôn 14 xã Đắk Wer; mô hình trồng Nho tổ dân phố 8 thị trấn Kiến Đức; mô hình trồng dưa lưới tại xã Kiến Thành.
Bà con nông dân ứng dụng công nghệ cao để đầu tư, nâng cấp xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường; chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP, đưa các giống heo ngoại cao sản vào sản xuất trực tiếp hoặc lai tạo giống đưa tỷ lệ heo lai, heo ngoại đạt khoảng 93% tổng đàn heo. Các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các giống heo ngoại cung cấp ra thị trường; phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ, giai đoạn 2021-2025 gắn với phát huy nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao”; ứng dụng công nghệ 4.0 để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà hiện đại, tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giúp gia tăng giá trị nông sản, giải quyết việc làm, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Doanh nghiệp Toàn Hằng đang triển khai mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhà máy chế biến trái cây Toàn Hằng có quy mô thiết kế 6.000m2, trước mắt tập trung chế biến cấp đông các loại trái cây như: sầu riêng 250 tấn/ngày; bơ 5 tấn/ngày và chanh dây 5 tấn/ngày. Hiện có 40 mã vùng trồng (khoảng 300 hộ) tại nhiều địa phương cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Nhà máy cũng lắp đặt hệ thống chẻ múi cấp đông sầu riêng. Ngoài ra, doanh nghiệp liên kết với hơn 1.000 nông hộ, với 3.500 ha trong huyện Đắk R'Lấp cùng làm tiêu chuẩn cà phê dự án 4C và Rainforest Alliance. Nhà máy chế biến cà phê sinh thái Toàn Hằng được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn ISO 2018, công suất 300 tấn/ngày.
Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Trường Thịnh liên kết thu mua sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện và một số khu vực lân cận. Hợp tác xã lắp đặt 1 kho lạnh với diện tích 150m2, trong năm 2023 đã xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng hơn 400 tấn sầu riêng và một số nông sản đã qua bóc tách, sơ chế. Sản phẩm trái sầu riêng của Hợp tác xã đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3, chứng nhận tiêu chuẩn VietGap, HACCP.
Bên cạnh đó, một số Hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như: Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận sản xuất hồ tiêu sạch liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty gia vị Hương Quế, Công ty gia vị Sơn Hà; Hợp tác xã nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Kar sản xuất sản phẩm cà phê bột và đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Hợp tác xã liên kết với các hộ dân sản xuất cà phê sạch trên địa bàn xã Đắk Ru và chế biến cà phê bột cung cấp ra thị trường với nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là cung cấp cho một số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương, thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế, nhất là các hợp tác xã. Việc tổ chức sản xuất quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với xây dựng nông thôn mới.