Tinh dầu bạc hà là một trong những loại tinh dầu có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng lớn. Thị trường tiêu thụ đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là đối với tinh dầu bạc hà có hàm lượng L-menthol cao. Mặc dù với trình độ công nghệ hiện có, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chủ động sản xuất tinh dầu bạc hà cả ở dạng thô lẫn tinh khiết, nhưng cho đến nay, phần lớn tinh dầu bạc hà trên thị trường đều được nhập khẩu.
Trước thực tế đó, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác cây bạc hà chiết xuất tinh dầu trồng trong nhà màng” nhằm tuyển chọn giống bạc hà thích hợp với điều kiện nhà màng; đồng thời xác định mật độ trồng, chế độ phân bón và phương pháp thu hái tối ưu, giúp nâng cao năng suất và chất lượng tinh dầu.

Tinh dầu bạc hà có thành phần hóa học đặc trưng, với ba hợp chất chính quyết định giá trị sử dụng là L-menthol, isomenthone và pulegone. Trong đó, L-menthol chiếm tỷ lệ cao, có tác dụng làm mát mạnh, mùi thơm dễ chịu, và là thành phần hoạt tính chính trong nhiều sản phẩm dược mỹ phẩm. Hàm lượng L-menthol càng cao thì tinh dầu càng có giá trị thương phẩm. Isomenthone là một monoterpenoid có mùi bạc hà nhẹ, đóng vai trò bổ trợ về mặt hương thơm. Pulegone là hợp chất ketone thơm có tác dụng kháng khuẩn và xua đuổi côn trùng.
Các thí nghiệm được triển khai tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, tập trung vào khảo sát bốn giống bạc hà: Âu Peppermint, SV88, Âu-PN800 và Mint - đều là các giống có nguồn gốc từ nước ngoài, đã được du nhập và nhân giống tại Việt Nam.
Các giống này được trồng ở mật độ khác nhau từ 10 đến 25 cây/m². Phân bón sử dụng gồm urê (đạm), kali (K₂O) và lân (P₂O₅). Các chế phẩm sinh học như nấm ba màu, dầu neem, Trichoderma và EM được sử dụng để phòng trừ sâu bệnh hại. Cây được chăm sóc định kỳ, bao gồm cắt tỉa thân mọc lan ngoài luống để giảm cạnh tranh dinh dưỡng, duy trì độ ẩm đất từ 70–75%, kết hợp tưới nước, làm cỏ và kiểm soát dịch hại.
Kết quả cho thấy giống Mint có khả năng thích nghi tốt và cho hiệu quả vượt trội khi canh tác trong điều kiện nhà màng. Sau 5 tháng trồng, cây đạt chiều cao trung bình 103,6 cm, số lá trung bình 461,3 lá/cây, năng suất sinh khối tươi đạt 1,7 tấn/ha, hàm lượng tinh dầu 0,61%, sản lượng tinh dầu 10,4 lít/ha, trong đó hàm lượng menthol đạt 56,3%. Khi tăng mật độ trồng lên 25 cây/m², năng suất sinh khối đạt gần 1,9 tấn/ha, hàm lượng tinh dầu tăng 0,65%, sản lượng tinh dầu đạt 12,07 lít/ha, hàm lượng menthol tăng 68,4%.
Khi thử nghiệm chế độ bón phân với liều lượng 21 kg đạm, 33 kg lân và 33 kg kali trên diện tích 0,1 ha, kết hợp thu hoạch ở thời điểm 50% số cây ra hoa, kết quả ghi nhận năng suất sinh khối đạt 3,2 tấn/ha, hàm lượng tinh dầu đạt 0,91%, sản lượng tinh dầu đạt 29,6 lít/ha và hàm lượng menthol tăng lên đến 78,8%.
Mint cũng được đánh giá là giống cho chất lượng tinh dầu tốt nhất, với hàm lượng L-menthol đạt 56,3%, isomenthone 10,52% và pulegone 17,79%.
Tinh dầu được chiết xuất từ lá bạc hà tươi bằng phương pháp chưng cất hơi nước. Lá được thu hái vào lúc 10 giờ sáng – thời điểm cho lượng tinh dầu cao nhất, sau đó được rửa sạch và loại bỏ những lá bị hư, chỉ chọn những lá tươi xanh để đưa vào nồi chưng cất.
Về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng bạc hà giống Mint trong nhà màng cho khả năng sinh lợi cao, với lợi nhuận ước đạt khoảng 124,6 triệu đồng/ha/vụ (3 tháng), tương đương 41,53 triệu đồng/tháng. Nếu kéo dài thời gian canh tác lên sáu tháng và tiến hành hai lần thu hoạch trên cùng lứa cây, tổng lợi nhuận có thể đạt 322,2 triệu đồng/vụ, tức 53,7 triệu đồng/tháng.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đã hoàn thiện quy trình canh tác từ chọn giống, mật độ trồng, bón phân đến thu hoạch, chiết xuất tinh dầu để chuyển giao cho các đơn vị tại TP.HCM hoặc các vùng lân cận.