Với đường bờ biển dài gần 200 km, Phú Yên sở hữu hệ sinh thái đa dạng gồm vũng, vịnh, đầm phá, cửa sông và vùng triều nước lợ giàu dinh dưỡng - điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm qua, tỉnh đã phát triển nuôi tôm hùm, cá mú, cá giò, ốc hương, hàu Thái Bình Dương… và đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như lạm dụng hóa chất, dịch bệnh gia tăng và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến môi trường ao nuôi ngày càng suy thoái.
Từ năm 2022, mô hình nuôi kết hợp giữa sá sùng (Sipunculus nudus) và tôm thẻ chân trắng được triển khai tại Phú Yên trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững”, do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III chuyển giao công nghệ, phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt thực hiện.
Sá sùng - hay trùn biển, địa sâm - là loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao, sống vùi dưới đáy vùng triều ven biển, ăn mùn bã hữu cơ. Hiện nguồn cung chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên nên trữ lượng đang suy giảm nghiêm trọng. Tại thị xã Sông Cầu, sản lượng sá sùng khai thác đã giảm từ 5kg/ngày trước năm 2010 xuống còn 1-2kg/ngày. Trong khi đó, nhu cầu thị trường vẫn rất lớn, với giá bán dao động 500.000-800.000 đồng/kg (tươi) và 3-4 triệu đồng/kg (khô). Việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng vì thế mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp tái tạo nguồn lợi mà còn đa dạng hóa đối tượng nuôi.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng. Loài này có thể thích nghi tốt với độ mặn 20-28‰, thời gian nuôi thương phẩm từ 4-8 tháng tùy cỡ giống, hoàn toàn phù hợp để nuôi ghép với tôm thẻ chân trắng tại vùng ven biển miền Trung.

Cụ thể, Dự án đã sản xuất thành công hơn 600.000 con sá sùng giống từ nguồn bố mẹ tại Khánh Hòa. Nhóm thực hiện cho biết, quy trình sản xuất giống không đòi hỏi thiết bị quá phức tạp, tương tự như sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cua hoặc ngao; và việc nuôi ghép sá sùng với tôm thẻ chân trắng không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi. Trong hệ thống nuôi ghép, sá sùng có vai trò như một “bộ lọc sinh học”, giúp xử lý chất thải đáy ao và thức ăn dư thừa, hạn chế mầm bệnh và giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh. Nhờ vậy, mô hình này hướng tới sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong mô hình được triển khai tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, sá sùng được thả với mật độ 20–30 con/m², tôm thẻ chân trắng được thả với mật độ 60 con/m² (cỡ giống 15 ngày tuổi sau khi nở). Sá sùng không cần cho ăn, còn tôm sử dụng thức ăn công nghiệp.
Kết quả, sá sùng đạt tốc độ sinh trưởng trung bình 0,031g/ngày, tỷ lệ sống từ 63–75%, năng suất đạt 1,5 tấn/ha. Tôm thẻ chân trắng đạt tốc độ tăng trưởng 0,12g/ngày, tỷ lệ sống 81%, năng suất khoảng 8 tấn/ha, cao hơn đáng kể so với mô hình nuôi đơn (5-6,5 tấn/ha). Hiệu quả kinh tế từ mô hình rất khả quan, với lợi nhuận trung bình 519 triệu đồng/ha; doanh thu tăng khoảng 20% khi nuôi kết hợp so với nuôi tôm đơn thuần.