Kết nối sản phẩm OCOP khu vực Cửu Long với hệ thống thương mại

STNN – Sáng 11/12, trong khuôn khổ sự kiện Festival Tôm đang diễn ra tại Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh này và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023”.

Hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào sáng 11/12.

Hơn 100 chủ thể OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long tham dự và trưng bày sản phẩm tại hội nghị này, cùng hơn 40 doanh nghiệp đại diện cho bên phân phối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã tham gia dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Dự và chủ trì tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phát triển thị trường nông sản Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, cả nước đã có 10.811 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP. Trong đó, 28,5% là của doanh nghiệp, 18,9% là của hợp tác xã và hơn 52% còn lại là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương, đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhưng mang tính truyền thống.

Đây là cơ hội giúp khai thác tốt tiềm năng cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương và từng vùng, miền trong cả nước.

“Mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Sản phẩm OCOP khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long và Cà Mau được quảng bá rộng rãi trên nhiều kênh phân phối khác nhau.

Tại Cà Mau, sau 4 năm từ khi tỉnh này triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay đã có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao). Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, hiện đã có 42 sản phẩm OCOP đã được đưa vào các hệ thống siêu thị, và 100% các sản phẩm OCOP Cà Mau đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh: madeincamau.com.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh này còn giúp liên kết với các đại lý phát triển thị trường ngoài tỉnh, kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử, như: Viettel (voso.vn), (Postmart) và các kênh khác Lazada, Amazon, Alibaba… để có thêm kênh phân phối, giúp tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử góp ý tham luận tại hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, lợi thế của chúng ta là sản vật của vùng và tại địa phương (trái cây, thủy sản, lúa gạo…) nhưng các chủ thể OCOP tại Cà Mau nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung, hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ. Vì vậy, năng lực tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng, thị hiếu vẫn còn hạn chế.

Từ thực tế nêu trên, thời gian gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại đã được các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long quan tâm, chỉ đạo triển khai. Bằng chứng là nhiều hội chợ, lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và vùng đã được tổ chức, điển hình như các tỉnh: Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang…

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trăn trở của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã… quanh vấn đề giao thương, kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại. Qua đó đặt nhiều kỳ vọng tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định sản phẩm OCOP thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại.

Theo Nhân Dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây