Sáng 29/7, Cục Chế biến và PTTT Nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021” tại 03 điểm cầu chính là Hà Nội, Đồng Tháp và Sóc Trăng.
Hội nghị kết nối tiêu thụ nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời đóng góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nêu cao tinh thần “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” của người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, thời gian gần đây trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, được thị trường cả trong và ngoài nước chấp nhận. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn.
Theo thống kê diện tích khoai lang toàn tỉnh Đồng Tháp mỗi năm là hơn 3.450 ha, sản lượng vào khoảng 87.400 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Đồng Tháp có hơn 1.400 ha khoai sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 35.100 tấn. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn là địa phương sản xuất cá tra trọng điểm với diện tích 2.000 ha mặt nước, sản lượng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với trên 530.000 tấn/năm. Toàn tỉnh Đồng Tháp cũng có khoảng 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích vùng nuôi gần 933 ha. Cá tra được xác định là 1 trong 5 mặt hàng chiến lược nông nghiệp, được tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia và xây dựng kế hoạch hành động. Tại Đồng Tháp, cá tra cũng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp có khả năng cung ứng thêm nhiều loại nông sản khác như: Lúa, Ổi, Cam, Quýt, Mít, Thanh long, Mận, Ớt...
Còn theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhãn là một trong loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh này, được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và Vĩnh Châu. Diện tích trồng nhãn của Sóc Trăng là 3.130ha, đang cho trái 2.536ha. Cơ cấu giống gồm nhãn da bò 54,5%, nhãn xuồng 22,9%, nhãn Idor 13%, thanh nhãn 8,3% và các giống nhãn khác 1,3%. Thời gian thu hoạch từ tháng 7-2021 đến tháng 12-2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn; thời điểm thu hoạch tập trung đối với nhãn xuồng là tháng 7 - 8; thanh nhãn là tháng 8-9; nhãn Idor là tháng 10 - 11; nhãn da bò rải rác từ tháng 7 - 12.
Tuy nhiên theo thông tin từ nông dân tỉnh Đồng Tháp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, giá nhãn hiện nay đang rớt vì khó tìm nơi tiêu thụ. Nhãn xuồng được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg, giảm hơn 8.000 đồng/kg so với tháng trước; nhãn Idor giá 18.000 đồng/kg, giảm khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước.
Như vậy, 2 địa phương với những sản phẩm chủ lực như trên đang rất cần kết nối để tiêu thụ. Với mục tiêu đồng hành cùng các địa phương, “san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch COVID-19”, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, nhất là đối với các địa phương phía nam.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thông tin về các sản phẩm của mình, đặc biệt là các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mong muốn được liên kết hợp tác với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra, phân phối sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, khẳng định hệ thống vận chuyển là mắt xích quan trọng trong giá thành, lợi nhuận và thời gian bảo quản của nông sản, do đó cần phát huy hết sức mạnh của hệ thống này. Các địa phương cần thống kê sản lượng nông sản theo từng huyện để xây dựng kịch bản tiêu thụ chi tiết. Sau đó, có chỉ đạo để các đơn vị hỗ trợ cho quá trình tiêu thụ như Bắc Giang đã làm với vụ vải vừa qua.
Hiện nay, Hà Nội đã có kịch bản chi tiết cho từng sản phẩm, từng cung đường để vận chuyển tiêu thụ và Đồng Tháp, Sóc Trăng có thể nghiên cứu mô hình này. Từ đó, đưa ra những kiến nghị với Tổ công tác của Bộ NN-PTNT để xử lý các vấn đề còn vướng mắc.
Ông Toản cho biết Bộ sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan để tổ chức triển lãm các sản phẩm OCOP sau dịch.
Kết luận hội nghị, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cho biết: Hội nghị sáng 29/7 quy tụ 163 điểm cầu tại nhiều nơi. Các đại biểu đã được cấp nhiều thông tin về thị trường nông sản cũng như cung - cầu thị trường. Hội nghị là cơ hội để bà con nông dân, HTX tiếp cận với nhiều thông tin mới, nhất là về kênh phân phối trên sàn thương mại điện tử.
Ông Đào Văn Hồ cam kết sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo Tổ công tác 970 và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, từ đó triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm hỗ trợ sớm cho 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội.
Cũng trong chương trình hội nghị diễn ra lễ ký kết trực tuyến 4 hợp đồng giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội. Đây là cơ sở giúp các bên có sự phối hợp nhịp nhàng để tiêu thụ hiệu quả nhất.
Nguồn: Bộ Nông Nghiệp