Khai phá thị trường tỷ dân: Cơ hội xuất khẩu rau củ quả Việt Nam sang Trung Quốc

STNN - Ngày 12/11 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” với mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt hơn cơ hội mở rộng thị trường nông sản vào Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất nhì thế giới.

Tiềm năng phát triển thị trường rau củ quả sang Trung Quốc

xuat-khau-nong-san-trung-quoc-stnn-1731550323.png
Toàn cảnh hội thảo.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn với nhu cầu đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm rau củ quả nhiệt đới - nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ rau quả sạch và có truy xuất nguồn gốc tại Trung Quốc đang gia tăng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung ứng sản phẩm đạt chuẩn và chất lượng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhấn mạnh: “Việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn giúp nông sản Việt Nam tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. Đây là con đường hiệu quả để các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực và phát triển bền vững.”

xuat-khau-nong-san-trung-quoc-stnn-2-1731550323.png
Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý với Trung Quốc. Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch 11 loại trái cây đặc sản sang thị trường lớn này. Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả xuất khẩu. 

Những yêu cầu đặt ra đối với xuất khẩu chính ngạch

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, thị trường Trung Quốc cũng có nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thị trường có tính cạnh tranh rất cao. Các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được các yêu cầu này; quy định về phytosanitary (vệ sinh thực vật) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp mất thời gian… Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) lưu ý doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh trường hợp mất thương hiệu ở thị trường nước bạn. Bên cạnh đó, tuân thủ quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm-kiểm dịch, bao bì, truy xuất nguồn gốc; xúc tiến, tích cực tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc.

Đẩy mạnh chiến lược xúc tiến thương mại và hướng tới sự phát triển bền vững

Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản tham gia hội thảo, cho biết: “Việc đầu tư vào xây dựng thương hiệu riêng, đồng thời có chiến dịch quảng bá bài bản và tham gia các hội chợ quốc tế sẽ là hướng đi giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng tôi sẽ phát triển sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, song song với việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để tạo dựng uy tín.”

Việc xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng, có hiểu biết về văn hóa Trung Quốc là rất quan trọng để doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin thị trường nước bạn rõ hơn -  ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ thị trường Á-Phi (Bộ Công Thương) chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trung Kiên lưu ý doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm và khai thác thị trường B2B và B2C Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Hiền Chi