
“Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, một đôi voi chín ngà, một đôi gà chín cựa, một đôi ngựa chín hồng mao”. Đây là những lễ vật mà Vua Hùng yêu cầu Sơn Tinh, Thủy Tinh đem đến trong cuộc kén rể cho công chúa Mỵ Nương. Qua ngàn đời nay, câu chuyện thần thoại này vẫn được lưu truyền trong dân gian cùng với niềm tin rằng “gà chín cựa” là một sinh vật chỉ có trong truyền thuyết. Ít người biết rằng đây là giống gà bản địa, có thật tại Tân Sơn, Phú Thọ, chỉ là nó đã từng bị thoái hóa và chìm vào quên lãng của hầu hết người dân nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Đức, người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại vùng đất của các Vua Hùng, nhớ lại “giống gà này nó ngon, nó khác biệt với các vùng khác so với cả Việt Nam, cả trên thế giới…Nhưng lúc mình muốn thương mại thì nó không có giống”. Tự mày mò khôi phục giống gà này từ năm 2013 nhưng mãi đến 2016, được kết nối với TS. Vũ Ngọc Sơn (thời điểm đó đang làm việc tại Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) qua một chương trình của VTC16, anh Đức mới có được những bước ngoặt mới.
Phục tráng giống gà này là một trong những dự án TS. Vũ Ngọc Sơn tâm đắc. Ông cho rằng đây không chỉ là việc bảo tồn gene một giống loài quý hiếm phục vụ nghiên cứu mà có thể đem lại những lợi ích về kinh tế, du lịch lớn cho người dân bản địa. “Phú Thọ là đất của Vua Hùng, về Phú Thọ mà được ăn giống gà nhiều ngón thì sẽ tôn lên những giá trị khác biệt” - ông nói. Xa hơn nữa, nếu có khả năng chế biến, đóng gói, giống gà này có thể trở thành một sản phẩm xuất khẩu có giá trị trên thị trường quốc tế.
Kiên trì phục tráng
Dù dân gian gọi đây là gà chín cựa, nhưng theo TS. Vũ Ngọc Sơn thì đây thực chất là một loài gà nhiều ngón. Nếu như gà bình thường mỗi chân có ba ngón trước và một ngón sau thì giống gà này có ba ngón sau - mà người dân gọi là “cựa”, để thích nghi với việc leo, bám trên các triền đồi, núi dốc. Cũng có trường hợp mỗi chân gà có tới bốn, năm cựa giống như truyền thuyết, nhưng “tỉ lệ này rất hiếm, vài ngàn con thì mới có một con”. Giống gà này cũng có vẻ ngoài từ màu lông, hình dáng đuôi, mào ấn tượng và lộng lẫy, bóng bẩy và “khí chất” hơn các giống gà khác. Nhưng nó đã bị thoái giống trầm trọng tới mức thế hệ sau này hầu như không còn giữ được nguyên vẹn đặc điểm hình dáng và sức vóc của tổ tiên.
Lí do đằng sau sự thoái giống này, chủ yếu xuất phát từ quá trình tạp giao do khi người dân nuôi chung giống gà “chín cựa” này với vô số giống gà khác trong hàng thập kỉ, khiến những thế hệ sau dần bị thoái hóa về gene. Kể cả khi “cho con bố và con mẹ đều có sáu ngón lai với nhau chỉ ra được con có bốn, năm ngón” – TS. Vũ Ngọc Sơn giải thích. Ngoài ra, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh không đảm bảo, do người nuôi chủ yếu ở các vùng hẻo lánh, nghèo đói nên sức sống của giống gà này giảm. Nhiều trường hợp quần thể đàn quá nhỏ dẫn đến hiện tượng đồng huyết (hiện tượng hai cá thể có huyết thống gần giao phối với nhau) càng khiến giống gà này thoái hóa nhanh chóng cả về gene lẫn khả năng sinh tồn.
Phương pháp được sử dụng là phương pháp nhân thuần qua các thế hệ để mở rộng quần thể, kết hợp chặt chẽ với phương pháp chọn lọc định hướng và làm tươi máu để hạn chế đồng huyết. TS. Vũ Ngọc Sơn chia sẻ: “Để phục tráng được giống thì chỉ có duy nhất phương pháp đó thôi”. Phục tráng giống này đồng nghĩa với việc đảo ngược tất cả quá trình thoái giống nói trên với một sự đầu tư kiên trì. Công việc đầu tiên và quan trọng nhất, là xây dựng đàn nguyên liệu ban đầu. TS. Vũ Ngọc Sơn và anh Nguyễn Văn Đức đã phải đi đến những bản xa, hẻo lánh, nơi người dân không nuôi lẫn giống gà này với bất cứ giống gà nào khác để tìm mua trứng gà hoặc gà con. “Khi chọn, chúng tôi phải quan sát xung quanh xem họ có nuôi gà lạ không, nếu họ mà nuôi thêm loại gà khác thì không lấy”. TS. Vũ Ngọc Sơn nói. Sau đó là quá trình xây dựng chuồng trại và chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, tiêm vaccine, phòng bệnh phù hợp.

Dĩ nhiên, không phải cứ chờ trứng nở ra, gà lớn lên là có được một đàn giống chuẩn. Từ nguyên liệu ban đầu, nhóm chỉ chọn những con đạt đúng ngoại hình của gà “chín cựa” để nuôi tiếp (những con còn lại chuyển sang nuôi thịt). “Độ tạp của nguồn gene trước khi chúng tôi đến làm là mức độ tạp kinh khủng lắm. Ví dụ như là cho con bố con mẹ sáu ngón lai với nhau, để ra được 30 quả trứng thì chỉ được độ năm con sáu ngón thôi, còn lại nó 3, 4, 5 ngón lung tung cả.” – TS. Vũ Ngọc Sơn kể lại. Phải liên tục lặp lại việc nuôi – chọn như vậy qua nhiều thế hệ mới có thể thu được đàn giống ưng ý. Đến một lúc nào đó, quần thể đàn không đủ số lượng dễ xảy ra hiện tượng đồng huyết, nhóm lại phải tiếp tục đi đến những bản xa, tìm gà trống giống thả vào đàn hiện tại để làm “tươi máu”.
Cứ như vậy, trải qua bốn năm trời, độ thuần của đàn giống đã tăng từ 20% lên 91% (ngoài tiêu chuẩn hai chân có sáu ngón, các đặc điểm ngoại hình khác cũng đạt tiêu chuẩn giống) “Đây là một kết quả khá tốt vì ban đầu chúng tôi chỉ đặt kỳ vọng là 75 - 80%, và dự kiến thời gian là năm năm, nhưng chỉ sau hơn bốn năm và ở thế hệ nhân thuần thứ năm đã có kết quả vượt mong đợi.” TS. Vũ Ngọc Sơn nhận xét. Đàn gà thế hệ thứ sáu vào vụ sản xuất năm 2025 của anh Nguyễn Văn Đức đang có 1000 con mái và trống ghép theo là 200 con. “Đây là một tỷ lệ rất đẹp, cứ duy trì đàn gà này thì sẽ không lo đồng huyết, nếu số lượng con trong đàn ít hơn, chỉ khoảng 50-100 thì sau 2-3 năm sẽ cần làm tươi máu một lần. Anh Nguyễn Văn Đức hiện nay chỉ cần đảm bảo việc phòng dịch cho đàn gà nữa là được”.
Đi tìm thị trường ngách
Đến khi đưa giống gà này ra ngoài thị trường, hóa ra không phải chỉ cần ngon là đủ. Sự “khác thường” về ngoại hình của gà chín cựa khiến nhiều người hoài nghi. “Mọi người không tin rằng giống gà này có thật, nhiều người cho rằng gà này là gà dị tật hoặc thậm chí có người cho rằng đây là lừa đảo”, anh Nguyễn Văn Đức cho biết. Cách truyền thông của anh, không có gì khác ngoài liên tục chia sẻ trên “mọi mặt trận” mạng xã hội để làm rõ thông tin. Anh cũng khôn khéo khi “vận động” được đồng hương là cầu thủ Hà Đức Chinh (tiền đạo của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam trong giải U-20 World Cup 2017) quảng cáo về giống gà này – thu hút được sự quan tâm của nhiều tờ báo. “Ai tin thì tin, ai không tin thì thôi, chứ còn việc giáo dục khách hàng nó kinh khủng lắm, nó sẽ tiêu của mình hết hàng tỷ” – anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
Thực tế, cần phải mất một năm mới có thể xuất chuồng giống gà “chín cựa”, chi phí nuôi dưỡng lớn, nên mức giá của giống gà này ít nhất là cao gấp rưỡi so với các giống gà khác. Một con gà sáu cựa có giá khoảng 135 ngàn đồng/kg, với những con gà đột biến 8-9 cựa, mức giá có thể lên đến 10-15 triệu/con. Để cạnh tranh được, anh Nguyễn Văn Đức đã lựa chọn thị trường ngách cho sản phẩm của mình. Anh hướng tới những nhà hàng hoặc những khách hàng mua sản phẩm nhằm mục đích biếu tặng, vì nhiều người tin rằng số 8 (bát) phát âm gần với “phát” sẽ đem đến sự phát tài, còn số 6 (lục) phát âm gần với “lộc” sẽ mang đến may mắn. Ngoài ra, anh Đức cũng quảng cáo tập trung vào những lợi ích về sức khỏe của giống gà này khi được nuôi theo quá trình tư vấn bởi chuyên gia và không sử dụng các chất kích thích có hại mà nuôi theo phương thức bán chăn thả, để gà phát triển tự nhiên.
Sau khi được đưa vào thương mại hóa, anh Đức hiện nay đã có được lượng khách hàng ổn định. Cho đến hiện nay, anh đã hoàn vốn được khoảng 68% so với chi phí bỏ ra để phục tráng và nuôi dưỡng đàn gà giống ban đầu. Anh cũng hy vọng trong tương lai, có thể đem sản phẩm này tiếp cận đến các thị trường khác bên ngoài Việt Nam.