Tỉnh Bình Thuận có khí hậu khô nóng, đất đai khô cằn, hiện tượng sa mạc hóa, muối hóa bề mặt xảy ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mặc dù khí hậu, đất đai Bình Thuận có sự khắc nghiệt, nhưng lại phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, tiêu, điều, cà phê, bông vải, thanh long, lúa nước, bạch đàn và nhiều loại cây hoa màu khác.
Ngoài ra, Bình Thuận còn thích hợp với chăn nuôi dê, trâu, bò, cừu, các loại gia cầm và là tỉnh nằm trong vùng chăn nuôi dê trọng điểm phía Nam, bởi có nguồn nguyên liệu cây, lá, cỏ dồi dào. Những năm vừa qua, phần lớn đàn dê nuôi ở Bình Thuận là dê cỏvà một số ít dê Bách Thảo, cho năng suất không cao, dê chậm lớn và chất lượng thịt kém, khó chế biến.
Nhằm cải thiện giống dê trên địa bàn và thay dần giống dê kém hiệu quả, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH-CN Bình Thuận đã thực hiện dự án xây dựng mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt tại tỉnh.
Theo nhóm thực hiện dự án, Boer là giống dê chuyên thịt có nguồn gốc Nam Phi. Trong nước, giống dê này được nuôi ở Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải miền trung, nên còn gọi chúng bằng một tên khác là dê Phan Rang. Đây là giống dê dễ nuôi, ít bệnh, nhu cầu thị trường lớn. Dê Bách Thảo là một giống dê ở Việt Nam, được hình thành từ việc lai giống giữa dê Alpine, dê British-Alpine của Pháp với dê Ấn Độ. Đây là giống dê to con, có lông đen, tai cụp và là giống dê cho sữa và thịt, do nó có khả năng cho nhiều sữa. Dê Bách Thảo được nuôi nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Thông qua triển khai dự án, các cán bộ cơ sở và người dân đã được tiếp thu các quy trình công nghệ về chăn nuôi dê. Dê Boer lai được lai tạo từ dê Boer đực với dê Bách Thảo cái để giữ được các đặc tính tốt của giống gốc.
Giống dê lai Boer có sức đề kháng cao, ít bệnh và tầm vóc cao hơn rất nhiều với giống dê cỏ địa phương. Chúng có ngoại hình khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bóng mượt. Đặc biệt, nuôi dê Boer lai lớn nhanh, cho sản lượng thịt lớn, năng suất cao. Dê Boer lai cũng khá mắn đẻ, giá cao, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh. Mặc dù dê lai Boer đẻ không nhiều con hơn so với giống dê Bách Thảo, song dê con to, đạt trọng lượng 3 – 4 kg/con ngay lúc mới sinh. Dê nhanh lớn, sau 5 – 6 tháng đã đạt trọng lượng 32 – 35 kg/con. Trong khi đó, dê Bách Thảo chỉ đạt trọng lượng khoảng 18 – 20 kg/con.
Dự án cũng đã xây dựng một mô hình nuôi dê tập trung với quy mô 90 dê cái giống Bách Thảo và 10 dê đực giống Boer. Đồng thời, xây dựng mô hình nuôi phân tán dê lai tại 20 hộ dân tại các huyện Tuy Phong và Bắc Bình, mỗi hộ gồm 10 dê cái giống Bách Thảo và 1 dê Boer đực. Ngoài ra, dự án còn đào tạo các kỹ thuật viên có đủ kỹ năng quản lý và làm chủ công nghệ để chuyển giao nhân rộng mô hình.
Qua quá trình triển khai, dự án đã tạo ra 48 con dê giống F1 và 855 con dê thương phẩm. Các cán bộ dự án đã xây dựng và tập huấn cho người chăn nuôi một số quy trình kỹ thuật như quản lý và chăm sóc dê cái hậu bị, dê cái mang thai, dê lai sinh sản, dê đực hậu bị, dê đực sinh sản, quy trình kỹ thuật chọn phối và ghép đôi giao phối, tạo giống dê lai, quản lý và chăm sóc dê con theo mẹ, chăm sóc, nuôi dưỡng dê lai thương phẩm, bảo quản và chế biến thức ăn cho dê, quy trình vệ sinh dịch tễ và thú y,...
Đàn dê được các hộ triển khai nuôi theo đúng quy trình hướng dẫn, đã thích nghi được với thổ nhưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bệnh, chất lượng thịt cao, trọng lượng thịt tăng hơn 25 – 35% so với các giống dê cỏ hiện có tại địa phương.
Mô hình nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt không chỉ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi, mà còn bổ sung thêm nguồn giống mới cho địa phương, có thể nhân rộng.
Dự án đã được Sở KH&CN Bình Thuận nghiệm thu, đạt loại khá.