Khơi thông Quỹ phát triển Khoa học & Công nghệ: Chìa khoá phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch và thúc đẩy chuyển đổi số

Đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh việc chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển, chiếm lĩnh thị trường trong thời đại công nghệ hiện nay. Vì vậy, Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp chính là nguồn lực hỗ trợ trong hoạt động đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững để thích ứng với mọi biến động của thị trường, đặc biệt là sau những tác động xấu của đại dịch Covid-19.

Phát triển Khoa học & Công nghệ
Phát triển Khoa học & Công nghệ là chìa khoá phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch và thúc đẩy chuyển đổi số – Hình minh họa: Internet

Hiện nay nhu cầu hỗ trợ đổi mới công nghệ để nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp là rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ càng cần được phát triển, đổi mới liên tục. Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN, đổi mới công nghệ doanh nghiệp đã được quy định tại các Luật, Nghị định và Thông tư, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn, bất cập về chính sách về năng lực KH&CN.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ năm 2011 đến năm 2019, cả nước đã có 618 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành phố trong cả nước trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN (gọi tắt là Quỹ). Các tập đoàn là đơn vị có số kinh phí trích lập Quỹ lớn nhất, tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng kinh phí của Quỹ còn thấp, không ổn định qua các năm và chênh lệch lớn giữa các địa phương.

TS. Chử Đức Hoàng (Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia – NATIF) cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập Quỹ cũng như hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có nhưng khó tiếp cận.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong khi Lào chi 14,5%, Philippines chi 3,6%, Malaysia chi 2,6%. Khoảng 80% doanh nghiệp chưa có hợp tác để thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, doanh nghiệp gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số, như: chi phí đầu tư cao, hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển, nhân lực cho chuyển đổi số hạn chế…

Quỹ NATIF đã đưa ra những giải pháp hợp tác giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN, giai đoạn 2021 – 2025 có hoạt động hợp tác về đổi mới công nghệ, bao gồm: Hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ của doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Thúc đẩy hợp tác trong hỗ trợ doanh nghiệp giải mã, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam và quốc tế. Tăng cường kết nối, phát triển mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Nâng cao năng lực quản trị bộ máy, hoạt động nghiệp vụ, nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm, công nghệ, doanh nghiệp và chuyên gia phục vụ hoạt động của các Quỹ; xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ quản lý các Quỹ.

Theo TS. Chử Đức Hoàng – Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, để các Quỹ trên hoạt động hiệu quả, các cơ quan quản lý cần thực hiện sửa đổi, bổ sung nội dung quy định trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phát triển và hỗ trợ hoạt động các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy hợp tác về đổi mới công nghệ giữa Quỹ NATIF, các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học.

Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp là quỹ do doanh nghiệp xây dựng để thực hiện cho việc đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam (xây dựng phòng thí nghiệm, máy móc trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, mua bản quyền công nghệ, kiểu dáng công nghiệp…)

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) là quỹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Hoạt động của Quỹ NATIF liên quan đến nguồn vốn hoạt động do ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và do nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ NATIF, nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện và các nguồn vốn hợp tác khác.


Hương Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây