Tiến trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại nhiều huyện của Hà Nội như: Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh... đang đặt ra vấn đề cấp bách là phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường cũng như tầm nhìn quy hoạch của các địa phương, không để phát triển tự phát... Việc này không chỉ bảo đảm sử dụng đất hiệu quả mà còn đáp ứng yêu cầu tăng không gian xanh cho đô thị.
Chờ quy hoạch nhưng không bỏ ruộng
Hà Nội có gần chục ngàn héc ta đất nông nghiệp ven đô sản xuất 2 vụ lúa không hiệu quả do giao thông thủy lợi nội đồng không được đầu tư, việc tiêu thoát nước gặp khó khăn, giá trị kinh tế thấp... Diện tích này đã được chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn quả...
Mô hình nho hạ đen và rau hữu cơ trồng trong nhà màng, nhà lưới tại xứ đồng Bãi Tổng, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) là một ví dụ. Hiện mô hình mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân. Ông Nguyễn Hữu Hợi - hộ dân trồng nho hạ đen, dâu tây gắn với du lịch trải nghiệm ở xã Đan Phượng cho hay: "Do vướng quy hoạch nên gia đình tôi không thể đầu tư bài bản với các hạng mục công trình kiên cố cho việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Nhưng với lợi thế ven đô, giao thông thuận lợi nên các mô hình này vẫn hấp dẫn khách du lịch và có thêm nhiều cơ hội tìm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao".
Phó phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin: "Theo quy hoạch, thời gian tới toàn bộ khu vực trong đồng của huyện Đan Phượng sẽ phát triển đô thị, tuy nhiên huyện vẫn có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó tập trung vào rau màu và cây ăn quả".
Tương tự, tại huyện Hoài Đức, toàn bộ vùng đồng đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày một suy giảm. Tuy nhiên, những người nông dân "làng trong phố" đã tìm cách thích ứng với quy hoạch, sản xuất hiệu quả, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa giữ màu xanh cho vùng quê ven đô...
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Di Trạch, xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) Nguyễn Hữu Quang cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa, hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, hợp tác xã đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thu được kết quả nhất định. Hiện nay, xã Di Trạch có 30ha trồng ổi, ngoài ra người dân còn thuê đất canh tác tại các xã lân cận để trồng loại cây này (hơn 100ha). Bình quân mỗi sào trồng ổi cho thu 1,5-2 tấn quả/năm, không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho hàng trăm hộ dân Di Trạch mà còn góp phần làm cho vùng nông thôn ven đô xanh, đẹp hơn.
Lựa chọn các mô hình phù hợp
Tuy nhiên, một thực tế là nhiều mô hình nông nghiệp ven đô vẫn phát triển theo lối tự phát, trong khi đó các chính sách về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô còn thiếu và chưa đồng bộ.
Ông Vương Văn Tiến, một hộ dân trồng ổi VietGAP tại xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) cho rằng: Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành khu đô thị là một quá trình dài, cần có nhiều thời gian, có khi đến hàng chục năm. Do đó ngành Nông nghiệp Hà Nội và địa phương phải thực hiện đồng bộ giải pháp trong từng giai đoạn để kịp thời hỗ trợ nông dân, tránh tình trạng sản xuất với tâm lý tận dụng "được chăng hay chớ"...
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin: "Tại các khu vực ven đô đang nằm trong quy hoạch đô thị, Hà Nội không khuyến khích các mô hình chăn nuôi mà hướng tới phát triển rau màu, cây ăn quả và hoa, cây cảnh. Hiện tại, công tác khuyến nông hỗ trợ nông dân ở khu vực này đã có những thay đổi căn bản, tập trung vào các mô hình khuyến nông đô thị".
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, để nông nghiệp đô thị phát triển, thành phố nên rà soát, bổ sung, sửa đổi để có bộ chính sách hỗ trợ cả về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ đối với nông nghiệp ở khu vực này, coi đó là khoản đầu tư hạ tầng cho đô thị sinh thái sau này. Thay vì đầu tư vào các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giao thông thủy lợi, thành phố tập trung đầu tư về kỹ thuật, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại cho rằng, bản thân các địa phương cần thường xuyên nắm bắt, rà soát quỹ đất và quy hoạch để có định hướng phát triển với từng mô hình cụ thể.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Thành phố chọn hướng phát triển nông nghiệp ven đô trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sử dụng ít đất, ít lao động, tận dụng không gian, tạo cảnh quan đô thị, tạo nguồn thực phẩm sạch tại chỗ... Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự sáng tạo của người nông dân, cơ sở sản xuất…, các mô hình nông nghiệp ven đô sẽ ngày càng phát huy hiệu quả.
Theo Báo Hà Nội mới