STNN - Gần đây, để làm rõ lợi ích và rủi ro của việc sử dụng nhựa trong nông nghiệp cũng như xác định các giải pháp đảm bảo việc sử dụng nhựa một cách bền vững, nhóm tác giả quốc tế do Thilo Hofmann từ Khoa Khoa học Địa chất Môi trường tại Đại học Vienna dẫn đầu đã thực hiện một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communication Earth and Environment.
- Doanh nhân Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Centic Việt Nam và hành trình khởi nghiệp ngành nhựa
- Sử dụng nguyên liệu hữu cơ để thay thế hạt vi nhựa trong mỹ phẩm và các sản phẩm tẩy rửa
Hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến và đem lại những chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp thế giới. Đi kèm với những thành tựu quan trọng đã đạt được, nền nông nghiệp hiện đại đang tồn tại một số rủi ro nhất định, đặc biệt là vấn đề sử dụng nhựa bền vững trong sản xuất. Trên thực tế, nền nông nghiệp hiện đại có mối liên hệ chặt chẽ với nhựa và là nguồn tiêu hao lớn tài nguyên của hành tinh. Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm có hơn 12 triệu tấn nhựa được đưa vào quy trình nông nghiệp (chiếm gần 1/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu). Nghiên cứu mới của Đại học Vienna được thực hiện bởi Thilo Hofmann - nhà tâm lý học môi trường Sabine Pahl và nhà khoa học môi trường Thorsten Hüffer, cùng với các tác giả quốc tế cho thấy nhựa đóng vai trò đa diện: từ màng phủ bảo vệ thực vật đến hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, nhựa có vai trò lớn trong quá trình sản xuất thực phẩm.
Nhựa góp phần tăng năng suất và thu hẹp khoảng cách giữa trữ lượng sinh thái và nhu cầu con người
Trên thực tế, nhựa đã tìm được chỗ đứng trong mọi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (từ việc bảo vệ cây trồng bằng kẹp cho đến bảo vệ bằng lưới). Không thể phủ nhận việc sử dụng nhựa trong nông nghiệp giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên quan trọng. Trong đó, dẫn đầu là màng phủ, chiếm khoảng 50% tổng lượng nhựa nông nghiệp. Màng phủ không chỉ kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh mà còn bảo vệ độ ẩm của đất, điều hòa nhiệt độ và cải thiện sự hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó giúp thu hẹp khoảnh cách giữa trữ lượng sinh thái và nhu cầu con người (dấu chân sinh thái nông nghiệp).
Những hạn chế của nhựa đối với quy trình nông nghiệp
Như đã đề cập ở trên, nhựa đóng vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, việc sử dụng nhựa một cách quá mức cũng kèm theo những hạn chế nhất định như: giảm sức sống của đất, giảm năng suất cây trồng và nguy cơ chất phụ gia độc hại xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Nhựa thông thường vẫn tồn tại trong môi trường, với các chất cặn bã tích tụ trong đất. Các hạt nhựa nhỏ có thể tích tụ trong thực vật. Mặc dù, nghiên cứu về sự hấp thụ của nhựa nano vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy nhựa có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua quá trình sản xuất nông nghiệp.
Quá trình giải quyết những thách thức của việc sử dụng nhựa trong nông nghiệp cần diễn ra chậm và đảm bảo tính bền vững
Trong nghiên cứu mới, các tác giả cho biết, khi giải quyết những thách thức của nhựa trong nông nghiệp, trọng tâm tập trung vào chiến lược sử dụng hợp lý nhựa, thu gom hiệu quả sau sử dụng và đổi mới các phương pháp tái chế tiên tiến. Thilo Hofmann giải thích: “Trong trường hợp nhựa vẫn tồn tại trong môi trường, cấu trúc của chúng phải đảm bảo phân hủy sinh học hoàn toàn. Hơn nữa, điều quan trọng là các chất phụ gia nhựa độc hại phải được thay thế bằng các chất thay thế an toàn hơn”.
Mặc dù sử dụng các vật liệu sinh học là một giải pháp thay thế hợp lý, song chúng không phải là không có những điểm cần lưu ý. Việc chuyển hướng vội vã sang những vật liệu như vậy mà không xem xét đầy đủ đến “tuổi thọ” của chúng có thể vô tình gây thêm căng thẳng cho hệ sinh thái và mạng lưới thực phẩm.
Các biện pháp được các tác giả đề xuất phù hợp với các sáng kiến toàn cầu như Hiệp ước Nhựa của Liên hợp quốc (UNEA 5.2). Theo các nhà khoa học, việc áp dụng những biện pháp này sẽ thúc đẩy quá trình sử dụng nhựa bền vững hơn trong nông nghiệp. Mặc dù hiện tại việc thay thế hoàn toàn nhựa là không thể thực hiện được, nhưng việc sử dụng hợp lý các chất thay thế với tác động môi trường tối thiểu dường như là một hướng đi đầy triển vọng. Với sự giám sát bắt buộc, tiến bộ công nghệ và các sáng kiến giáo dục, việc giảm thiểu sự phụ thuộc của con người vào nhựa và các tác động tiêu cực đến môi trường là điều có thể thực hiện được.
Theo: https://www.sciencedaily.com/releases/2023/09/230925124753.htm
Tuyết Nhung