STNN - Tài nguyên không chỉ là núi non, sông nước, phong cảnh, cũng không chỉ là những di tích lịch sử văn hóa. Không khí trong lành, bầu trời đầy sao, hệ sinh vật phong phú,… đều là những tài nguyên có thể khai thác được. Làng sinh thái Taomi (Taomi Eco Village) là một thí dụ sinh động về khai thác tài nguyên sinh thái để phát triển bền vững.
Làng sinh thái Taomi nằm cách thị trấn Puli, huyện Nam Đầu, Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 5 km về phía Tây Nam, cách Hồ Nhật Nguyệt, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan chỉ 15 phút lái xe. Làng có diện tích 18 km2 và dân số hơn 1.200 người, 80% diện tích là đồi núi, tạo nên một vùng nông thôn miền núi truyền thống. Đây từng là ngôi làng kém phát triển nhất ở thị trấn Puli.
Năm 1999, Làng Taomi bị tàn phá nặng nề do trận động đất ngày 21 tháng 9 ở Đài Loan, với 62% trang trại bị phá hủy. Trong quá trình tái thiết sau thiên tai, chính phủ, giới học thuật, tổ chức xã hội và cư dân cộng đồng đã cùng nhau hợp tác để tái thiết làng. Sau hàng chục năm nỗ lực, Taomi Eco Village đã chuyển mình từ một ngôi làng lạc hậu, bừa bộn và đổ nát trở thành một mô hình sinh thái địa phương tích hợp nông nghiệp hữu cơ, giáo dục và trải nghiệm sinh thái, sáng tạo văn hóa và du lịch nông thôn.
Sau trận động đất, các nhà khoa học đã tới Taomi và phát hiện ra rằng Làng Taomi có 23 trong số 31 loài ếch bản địa của Đài Loan; 161 trong số 418 loài bướm của Đài Loan có thể được tìm thấy ở Làng Taomi; 68 trong số 163 loài chuồn chuồn của Đài Loan có thể được tìm thấy ở Làng Taomi.
Sau các cuộc giao tiếp, thảo luận và đàm phán giữa cư dân cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ và giới học thuật, định hướng phát triển tạo ra "Làng sinh thái Taomi" đã được xác định, tuân theo các nguyên tắc giáo dục và học tập, thay đổi quan niệm và thực tiễn hành động, đồng thời từng bước xây dựng mục tiêu phát triển Taomi trở thành địa phương tiên phong về du lịch sinh thái tại Đài Loan và là minh chứng cho sự chuyển đổi nông thôn ở miền núi.
Tập trung vào chủ đề ếch và tạo ra IP (tài sản trí tuệ) độc đáo là những bước đột phá quan trọng trong việc dẫn dắt sự phát triển của Taomi Eco Village. Sau khi xác định hướng và mục tiêu phát triển, nhóm xây dựng cộng đồng đã phân tích kỹ lưỡng và nhận thấy ếch là nguồn tài nguyên tiêu biểu và độc đáo nhất nên họ đã chọn ếch làm chủ đề của làng.
Các khóa học đặc biệt dành cho người dân trong làng được mở ra để đào tạo cho người dân kiến thức về bảo tồn ếch và từng bước hướng dẫn người dân thay đổi quan niệm. Dần dần, ếch được sử dụng như một "biểu tượng" và hòa nhập vào cuộc sống của người dân ở Làng Taomi. Nhiều điểm nhấn kiến trúc và cảnh quan được thiết kế với các tác phẩm điêu khắc hình ảnh của những chú ếch ngộ nghĩnh, 23 loài ếch được trưng bày một cách sáng tạo, thậm chí cả biển chỉ dẫn nhà vệ sinh cũng được đánh dấu với ếch đực và ếch cái. Ngoài các tác phẩm điêu khắc ếch, “ngôi nhà” của những chú ếch cũng được tạo ra một cách cẩn thận ở vùng đất ngập nước, lạch và hồ sinh thái...
Năm 2014, Đài Loan lấy Làng sinh thái Taomi làm nguyên mẫu, lấy câu chuyện chính là cuộc tìm kiếm Suối Đào Hoa của gia đình ếch, sử dụng công nghệ phim 3D để sản xuất phim. Với việc xây dựng và quảng bá hình ảnh thương hiệu, du lịch của Taomi Eco Village cũng dần phát triển.
Du Nhiên (lược dịch theo Hội nông thôn)