STNN - Tết Cơm mới là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống được gìn giữ, trao truyền từ nhiều đời nay và đã trở thành di sản văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Cơ Tu. Ý nghĩa của lễ mừng cơm mới không chỉ được thể hiện ở khía cạnh vật chất mà còn cả ở khía cạnh tinh thần. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, thần lúa (Yang haroo) có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Cơ Tu. Do vậy, trong Tết Cơm mới của cộng đồng người Cơ Tu đều có sự thỉnh cầu và cảm ơn vị thần lúa đã phù hộ cho dân làng được mùa lúa đầy kho, bản làng yên vui.
Nghi lễ lớn của người Cơ Tu
Trong hệ thống lễ hội nông nghiệp rải khắp và khép kín chu kỳ sản xuất của người Cơ Tu, thì lễ mừng cơm mới được xem là nghi lễ lớn nhất và cuối cùng trong hệ thống các tín lễ nông nghiệp, khép lại một chu kỳ sản xuất đầy vất vả và lo toan, để tận hưởng những thành quả lao động. Đây cũng là lễ hội đầu năm của người Cơ Tu mở ra khoảng thời gian nông nhàn, hưởng thụ, vui chơi để chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới.
Khi những bông lúa ngả sang màu vàng cho những hạt nặng trĩu trải đều trên rẫy, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình tượng trưng cho bà mẹ lúa dẫn con gái, con dâu… lên rẫy làm lễ cho cây lúa, cắm những dấu hiệu cấm người lạ vào rẫy, chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới. Bà chủ lúa tuốt những bông lúa đầu tiên, rồi đưa cho mọi người, với mong muốn sau này con cháu luôn có nhiều lúa để ăn. Sau đó, những người thân thiết sẽ tới giúp nhau thu hoạch lúa. Không khí rộn ràng của ngày hội lên nương tràn ngập khắp các bản làng người Cơ Tu. Khi kết thúc mùa thu hoạch, bà chủ lúa thay mặt gia đình cảm ơn thần lúa đã cho những hạt chắc mẩy. Bà chủ lúa không quên thắt một số ngọn lúa lại với ngụ ý giữ lại sự bội thu, rồi mời thần lúa về làng để chuẩn bị cho mùa lễ hội mừng cơm mới sắp tới.
Khi lúa trên rẫy đã được gùi về kho, bắp trên nương đã được buộc thành từng chùm treo trên gác bếp, men rượu đượm mùi thơm nồng, đó là lúc làng người Cơ Tu bước vào những ngày lễ hội ăn mừng cơm mới. Lễ hội ăn cơm mới truyền thống của người Cơ Tu không tổ chức theo thời gian nhất định, mà tùy thuộc vào mùa rẫy kết thúc sớm hay muộn, vào công tác chuẩn bị vật chất cho những ngày lễ hội nhanh hay chậm ở mỗi gia đình, mỗi làng bản. Thông thường, sau mùa vụ, những người lớn tuổi nhìn lên Mặt trăng để chọn ngày mở hội ăn mừng cơm mới. Vào mùa lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng vang âm cả Trường Sơn đại ngàn, và làng người Cơ Tu cũng vui hơn mọi ngày.
Chuẩn bị cho lễ ăn mừng lúa mới, thanh niên, người già chỉnh trang nhà cộng đồng (Gươl), lau chùi các loại nhạc cụ, vũ khí, chiêng ché; những nhóm thợ săn tổ chức vào rừng săn bắn, xuống suối đánh cá để chuẩn bị thực phẩm dâng lên thần lúa. Cùng với công việc chuẩn bị thực phẩm, những nghệ nhân điêu khắc vào rừng chọn cây gỗ tốt, trang trí cột đâm trâu - vật biểu trưng cho sức mạnh và sự sống của bản làng trong mùa vụ mới.
Trước đây, ngoài lễ cúng riêng thần lúa của mỗi gia đình, người Cơ Tu sẽ thường tổ chức lễ ăn cơm mới toàn bản làng. Đây cũng là lễ hội chào đón năm mới của đồng bào. Theo tập quán, trước khi tổ chức lễ ăn cơm mới trong toàn làng, ở mỗi gia đình, bà chủ lúa - người coi giữ kho thóc, lấy những hạt cơm nấu bằng gạo mới bôi lên các cột nhà, nóc nhà, vì kèo, bôi vào lỗ rốn con cháu trong nhà, để cầu mong mùa màng bội thu, thóc lúa tràn đầy nhà, lên tới nóc, cơm đầy bụng và tràn cả ra ngoài rốn.
Tết Cơm mới là tiền đề cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Vào ngày đã được ấn định, khi các vị khách quý cùng dân bản tập trung đông đủ, là lúc lễ được bắt đầu. Lúc này, các lễ vật đã được bày sẵn, trâu đã đưa vào cột. Chủ làng thay mặt dân làng mời các vị thần về dự hội và chứng giám cho tấm lòng của bà con dân làng.
Nếu phần lễ thể hiện rõ tính chất linh thiêng với những lời tâm sự, gửi gắm của già làng đến các vị thần linh, thì phần hội chính là những tiếng chiêng, tiếng trống tạo sự vui nhộn của bản làng. Sức sống của lễ hội chính là những điệu múa hùng tráng, đầy tinh thần thượng võ của già làng và các chiến binh, diễn tả những hình ảnh săn bắn, hái lượm. Và trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, những chàng trai tay giáo, tay khiên nhảy điệu tân tung mạnh mẽ, hùng dũng; những cô gái Cơ Tu vai trần, cổ đeo vòng cườm múa điệu múa da dá uyển chuyển, nhẹ nhàng và quyến rũ; những em bé Cơ Tu ánh mắt sáng ngời trong trang phục truyền thống ríu rít cười vui. Bên ché rượu cần, bên ống rượu tà vạc, khách quý cùng say với ánh mắt, nụ cười Cơ Tu và thưởng thức những món ăn truyền thống.
Ý nghĩa của lễ mừng cơm mới không những được thể hiện trên khía cạnh vật chất, kết thúc một vụ mùa bội thu, mở ra một năm mới đầy hứa hẹn, mà còn cả trên khía cạnh tinh thần, bởi đó là tiền đề cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bởi niềm tin vào vạn vật hữu linh, nên trong tâm thức người Cơ Tu còn tồn tại một thế giới vô hình của thần linh, ma quỷ, chi phối đời sống hằng ngày. Trong mối liên hệ giữa con người với thần linh, lễ ăn cơm mới như là phương cách để làm vừa lòng các vị thần.
Ngày nay, người Cơ Tu đang có những bước chuyển đổi phương pháp canh tác từ nương rẫy sang ruộng nước. Hình ảnh những thửa ruộng nước cho bông trĩu hạt khi được trồng cấy theo kỹ thuật canh tác mới đang thắp thêm lên những nguồn vui trong ý thức của người dân Cơ Tu. Cái no, cái ấm đang thực sự trở thành hiện thực. Nhưng, có lẽ nào, điều này đã phần nào thu hẹp lễ hội mừng cơm mới trong không gian riêng của mỗi gia đình đồng bào Cơ Tu?
Cùng nhau, người Cơ Tu đã tạo nên một môi trường đoàn kết, tràn đầy tình yêu thương và một nền văn hóa phi vật thể đặc sắc. Từ việc duy trì những giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường tự nhiên, người Cơ Tu đã xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Tin rằng, sự gắn kết chặt chẽ trong việc bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ tinh hoa văn hóa sẽ mang lại cho người Cơ Tu một tương lai tươi sáng, một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Đức Sáng – Phi Hoàng