STNN - Năm 2022 đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu nóng hơn ít nhất 1℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp, và cũng là 8 năm nóng nhất trong lịch sử.
- Ngày nước Thế giới 22/3: Thúc đẩy sự thay đổi
- Người chăn nuôi bò sữa có thể thích ứng với biến đổi khí hậu
- Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu
Mặc dù thế giới đang trong giai đoạn chịu tác động của hiện tượng La Nina, tức là đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển. Nhưng, tại một số nơi, 2022 là năm ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, đánh dấu những thiệt hại chưa từng có từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Một báo cáo đăng trên Tạp chí Living Planet Repor đã thống kê các loài động vật được giám sát trên thế giới, và nhận thấy mức độ phong phú tương đối của chúng đã giảm 69% kể từ năm 1970. Có khoảng 1 triệu loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng và rất có khả năng Trái đất đã bước vào sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6.
Biến đổi khí hậu góp phần vào nguy cơ tuyệt chủng này bằng một loạt những hiện tượng thời tiết dị thường, phức tạp và liên kết với nhau. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tác động gián tiếp đến hệ sinh thái khi làm mất cân bằng chuỗi thức ăn.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, càng là những loài động vật to lớn và có vị trí cao trong chuỗi thức ăn thì càng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ngược lại, những sinh vật đứng thấp hơn trong chuỗi thức ăn lại sinh tồn tốt hơn.
Những loài sinh sản nhanh sẽ khai thác môi trường sống mới tốt hơn. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc bị mất môi trường sống, chu kỳ sinh sản càng nhanh thì cơ hội sống sót càng cao. Trái lại, những động vật to lớn thường sinh sản chậm, sẽ phải vật lộn với biến đổi khí hậu do chúng cần nhiều thức ăn và dễ bị đe dọa khi môi trường sống thay đổi.
Ví dụ như voi sẽ nhạy cảm với hạn hán và nạn phá rừng hơn các loài nhỏ bé cần ít nguồn thức ăn và không gian phát triển hơn. Hay như gấu Bắc Cực cũng là một trong những loài dễ bị tổn thương nhất khi Trái đất ngày một nóng lên.
Tiếp đến là các loài có chế độ ăn đa dạng cũng sẽ đương đầu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Ví dụ loài như gấu trúc, vì chỉ ăn tre trúc nên khả năng sống sót thấp hơn những loài ăn tạp như gấu mèo hay quạ.
Khả năng di cư và thích nghi với các môi trường sống khác nhau, cũng có thể đảm bảo cho động vật trước một tương lai không chắc chắn. Ví dụ, nhiều sinh vật chỉ có thể tồn tại ở các vĩ độ đóng băng hoặc trong các rạn san hô sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn do môi trường suy thoái khi Trái đất nóng lên. Các loài động vật như vẹt, dơi và chuột chù đang “biến hình” qua nhiều thế hệ: Phát triển mỏ, cánh và đuôi lớn hơn để giúp chúng hạ nhiệt hiệu quả hơn ở vùng khí hậu ấm hơn, qua đó thích nghi tốt hơn.
Điều đó cho thấy, động vật càng tiến hóa và thích ứng tốt trước những thay đổi của môi trường, khí hậu và nhiệt độ sẽ càng có nhiều cơ hội sống sót, đặc biệt là những loài nhỏ bé, phổ biến, sinh sản nhanh, có vị trí thấp trong chuỗi thức ăn như gián, chuột nhắt, chuột cống, dơi, quạ, chim bồ câu, gấu mèo…
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 2/2023
Nguồn: www.vista.gov.vn