Lợi thế của nông nghiệp Hoa Kỳ

Ngành nông nghiệp Mỹ đứng hàng đầu thế giới, thu nhập của người nông dân rất cao. Giá các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ luôn chiếm ưu thế trong cạnh tranh. Trong các siêu thị của họ, trừ các sản phẩm hữu cơ, còn lại giá của các sản phẩm nông nghiệp đều rất rẻ.

Máy móc phục vụ cho hoạt động nông nghiệp. Ảnh: Internet

Nước Mỹ có diện tích lớn thứ tư trên thế giới nhưng diện tích đất trồng trọt lớn nhất thế giới. Đặc biệt, vùng trung và đông nước Mỹ là vùng rộng lớn, bằng phẳng, phì nhiêu, phù hợp với canh tác nông nghiệp, đó là những lợi thế khiến nhiều quốc gia mơ ước. Dân số Mỹ cũng không quá đông, hơn nữa đa số sống ở vùng ôn đới và á nhiệt đới, điều kiện tự nhiên rất tốt. Ngành nông nghiệp Mỹ nhận được sự hỗ trợ lớn từ nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và các chính sách ủng hộ phát triển nông nghiệp của chính phủ.

Việc cơ giới hóa các phương tiện canh tác, sử dụng máy móc thay thế cho sức người và sức súc vật được ưu tiên. Quy mô sản xuất nông nghiệp của nông dân Mỹ rất lớn, mỗi trang trại có diện tích cả nghìn hécta. Nông dân Mỹ sử dụng máy móc rất thành thạo, có trình độ hiểu biết cao về nông nghiệp và kinh tế. Những người nông dân Mỹ ngày nay như những “công nhân nông nghiệp”.

Quy mô sản xuất của ngành nông nghiệp là rất lớn

Giá nông sản của các nước có trình độ khoa học kỹ thuật thấp luôn không có tính cạnh tranh do phải sử dụng nguồn nhân công lớn cùng với các chi phí sản xuất không nhỏ. Ở Mỹ, do quy mô sản xuất lớn, tỉ lệ cơ giới hóa cao khiến cho năng suất cây lương thực, rau củ quả, năng suất ngành chăn nuôi gia súc gia cầm lấy thịt đều cao và giá thành sản phẩm thấp.

Ngành nông nghiệp Mỹ sử dụng kỹ thuật biến đổi gen. Cây trồng biến đổi gen cao sản đã được nước Mỹ đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp từ rất sớm và rộng khắp. Điều này khiến sản xuất nông nghiệp của Mỹ đạt năng suất cao, là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm rẻ và có tính cạnh tranh. Mỹ còn cho phép sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi trong khi điều này bị cấm ở nhiều quốc gia khác. Nông nghiệp Mỹ, xét về một mặt nào đó, có thể nói vì sản lượng mà không quan tâm tới chất lượng do vậy trên thị trường quốc tế, nhiều sản phẩm của Mỹ không thể bán với giá cao.

Chính sách trợ giá trong nông nghiệp cũng là một trong những lợi thế cho ngành nông nghiệp Mỹ. Tại Mỹ trong tất cả các quá trình, từ sản xuất tới ra thị trường, đều có sự hỗ trợ của chính phủ. Giá xăng dầu để dùng trong sản xuất nông nghiệp cũng rất rẻ dẫn đến chi phí sản xuất thấp. Vì vậy, cho dù sản phẩm bán ra với giá thấp thì nông dân Mỹ cũng vẫn thu được lợi nhuận lớn. Có thể nói nguyên nhân khiến các sản phẩm nông nghiệp ở đây có giá thành rẻ thì ai cũng biết nhưng không dễ dàng áp dụng ở các quốc gia khác.

Nhìn lại ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy mức độ tăng trưởng đều nhưng để có được những bước đột phá, có lẽ cần có những chính sách hữu hiệu để giúp đỡ người nông dân một cách toàn diện. Đồng thời, cần phát huy tính tự chủ, tinh thần cần cù, sáng tạo và đầy nhiệt huyết của người nông dân Việt. Cần nhân rộng các mô hình làm nông nghiệp hiệu quả, chất lượng và quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ môi trường để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Đức Cường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây