1. Hệ thống Watermoon
Nằm ở Hardangerfjordbruk, Na Uy, Watermoon được thiết kế khác biệt so với các lồng nuôi truyền thống với mục đích ngăn chặn cá thoát ra ngoài, giảm thiểu sinh vật biển có hại, thu gom rác thải và giảm tác động đến môi trường. Hệ thống có tổng chiều cao 72 m, đường kính 30 m và thể tích hơn 30.000 m3. Đa số cấu trúc được ẩn bên dưới bề mặt và hầu như không thế thấy được từ bề mặt. Watermoon trông tương tự như một tảng băng trôi, chỉ có một phần nhỏ nổi lên trên bề mặt. Thiết kế này tránh được các vấn đề phức tạp ở mặt tiếp xúc giữa biển và không khí như ảnh hưởng của sóng và tia cực tím.
Watermoon có khả năng cải thiện đáng kể tỷ lệ sống của cá, với tỷ lệ cá chết thấp hơn mức trung bình của ngành, chỉ dưới 2%. Hiện tại, 197.000 con cá đang được nuôi trong hệ thống nguyên mẫu và dự kiến sẽ đạt trọng lượng 5 kg sau 11 đến 13 tháng. Nếu quá trình thử nghiệm diễn ra thuận lợi, bước tiếp theo sẽ là thiết kế và xây dựng phiên bản chính thức thế hệ đầu tiên của hệ thống, dựa trên kinh nghiệm thu được từ hệ thống nguyên mẫu. Ông Sondre Eide - Giám đốc Điều hành của công ty cho biết rằng, về mặt lý thuyết, hệ thống này có thể chứa tới 300.000 con cá và họ hy vọng sẽ mở rộng quy mô lên 1 triệu con cá vào năm tới.
2. Quá trình phát triển
Angelskår, trưởng dự án, cho biết mặc dù nhóm đã xem xét nhiều phương pháp canh tác khác nhau như nuôi xa bờ, nuôi trên đất liền và nuôi lồng hở, cuối cùng họ đã chọn công nghệ nuôi khép kín vì nó có thể hiệu quả trong việc tránh những vấn đề môi trường mà phương pháp canh tác truyền thống gây ra. Do thiếu các giải pháp có sẵn trên thị trường, công ty đã hợp tác với nhiều nhà cung cấp công nghệ, kỹ sư và tổ chức nghiên cứu. Họ không chỉ học hỏi và áp dụng những kiến thức, kỹ năng và phương pháp mà ngành dầu khí đã phát triển trong việc làm việc ở môi trường biển mà còn chú trọng đến phúc lợi và sức khỏe của cá.
Trong giai đoạn đầu của dự án, các thử nghiệm mô hình quy mô nhỏ đã được tiến hành. Sau khi xác minh, quyết định phát triển quy mô lớn đã được đưa ra. Mặc dù quá trình này đầy rủi ro, nhưng những kết quả thành công ban đầu đã giúp nhóm tự tin tiến về phía trước với thiết kế và xây dựng quy mô lớn.
Công việc thiết kế bắt đầu vào tháng 01/2022. Sau một năm thiết kế và tính toán, khoảng 40-50 kỹ sư đã được huy động, và công việc xây dựng đã được khởi động vào tháng 12/2022.
Hiện tại, dự án đang thử nghiệm gần 200.000 con cá với mục tiêu xác minh tính khả thi của hệ thống khép kín ở quy mô thương mại và đảm bảo sức khỏe cho cá.
Hệ thống Watermoon đã hoạt động ổn định trong vịnh và có khả năng thích ứng với môi trường ven biển. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể mở rộng công nghệ này ra đại dương rộng mở hơn, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi hàng chục nghìn giờ làm việc của nhiều kỹ sư.
3. Phá vỡ truyền thống
Báo The Times của Anh đã gọi Giám đốc Điều hành của công ty là “Elon Musk của ngành nuôi cá hồi.” Ông đang nỗ lực áp dụng công nghệ mới để cải cách các phương pháp truyền thống và giải quyết những vấn đề môi trường trong ngành nuôi cá hồi.
Kể từ đầu những năm 1970, Na Uy đã trở thành quốc gia sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới, với khoảng một nửa sản lượng cá hồi đến từ các hệ thống nuôi lồng mở tại các khu vực như Fjord Hardanger.
Tuy nhiên, từ lâu, các nhà phê bình đã chỉ ra những tác động nghiêm trọng của ký sinh trùng biển đối với môi trường. Hàng triệu con cá nuôi đã chết do ký sinh trùng, và những con cá thoát ra có thể lây lan ký sinh trùng, gây tổn hại đến sức khỏe di truyền của cá hoang dã. Phân cá cũng gây ô nhiễm hệ sinh thái ven biển, trong khi quá trình xử lý lưới đánh cá tạo ra đồng và các chất ô nhiễm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước tại địa phương.
Sondre Eide cho biết đã đến lúc cần thay đổi, vì vậy công ty đã thúc đẩy việc sử dụng các hệ thống canh tác khép kín để giảm thiểu những vấn đề môi trường này. Mặc dù hệ thống nuôi khép kín có những lợi thế rõ ràng, nhưng chi phí lại cao gấp 30 lần so với nuôi lồng mở truyền thống, và chi phí cao vẫn là một thách thức lớn. Sondre Eide tin rằng nếu không có sự hỗ trợ và khuyến khích từ chính phủ, công nghệ này sẽ khó có thể được áp dụng rộng rãi.